Nhìn lại 10 năm thăng trầm của nhóm cổ phiếu vua
Vào những năm 2006 – 2007, nhà đầu tư phong cho nhóm cổ phiếu Ngân hàng là “vua không ngai” để ví von sự hấp dẫn của cổ phiếu và ám chỉ về đặc tính chưa niêm yết của ngành này.
Cổ phiếu vua là cái tên mỹ miều mà các nhà đầu tư vẫn dùng để gọi nhóm cổ phiếu ngân hàng dù trong một thời gian dài, nhóm cổ phiếu này không những không có sự tăng trưởng nào đủ hấp dẫn mà còn gắn liền với một quan niệm “mỗi khi cổ phiếu ngân hàng tăng là thị trường đi xuống”.
Tuy nhiên, năm 2015 đã khác.
Vào những năm 2006 – 2007, thị trường chỉ có cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank niêm yết trên HSX và ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu niêm yết trên HNX. Giữ vị thế lớn trong một ngành “cao cấp” được đánh giá là chỉ có lãi chứ không có lỗ, 2 cổ phiếu này có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chung.
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này đã giảm đi sau đó khi 2 sàn niêm yết có thêm các cổ phiếu quy mô lớn như VIC, PVD, PVS, VCG và vốn hóa không ngừng tăng của VNM.
Trong báo cáo chiến lược mới nhất, công ty chứng khoán BSC đã nhận xét, đây cũng là thời điểm khi “cơn sốt chứng khoán len lỏi vào một ngóc ngách của xã hội” và số lượng cổ phiếu niêm yết ít ỏi không đáp ứng nổi dòng tiền đầu tư trong nước và nước ngoài đổ vào thị trường.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng có số lượng doanh nghiệp lớn, quy mô vốn lớn hầu hết lại chưa được niêm yết đã trở thành điểm đến của dòng tiền đầu cơ. Nhiều ngân hàng nhỏ đã tận dụng cơ hội phát hành gấp 3, 4 lần quy mô trong thời gian ngắn vẫn được thị trường mua hết với giá gấp nhiều lần mệnh giá. Nhiều chợ chứng khoán tự do tự phát được hình thành để phục vụ nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, tiêu biểu như phố chứng khoán Nguyễn Công Trứ - Tp.HCM, chợ OTC của Ngân hàng Quân đội – Hà Nội.
Nhà đầu tư thời điểm này phong cho cổ phiếu Ngân hàng là “vua không ngai” để ví von sự hấp dẫn của cổ phiếu và ám chỉ về đặc tính chưa niêm yết của ngành này.
“Tranh thủ” khi thị trường đang sốt, Vietcombank đã tiến hành IPO vào ngày 26/12/2007 với 97,5 triệu cổ phần được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm 100.000 đồng/cp. Khối lượng đăng ký đặt mua lên tới 122,2 triệu cp và giá đặt mua cao nhất là 250.000 đồng/cp và giá trúng bình quân là 107.860 đồng/cp.
Từ năm 2008 đến năm 2012, sau giai đoạn sốt nóng, thị trường đi vào thoái trào, ngoại trừ năm 2009 được hưởng lợi từ gọi kích thích kinh tế 1 tỷ USD.
Một năm sau cuộc đấu giá của Vietcombank, Vietinbank đã tổ chức IPO vào ngày 25/12/2008. Khi đó, chỉ số VN-Index đã mất 67,3% (tương đương mất 622 điểm). Đây cũng là năm mà chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất kể từ khi TTCK Việt Nam ra đời.
53,6 triệu cổ phần của Vietinbank được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 20.000 đồng và cũng có lượng đăng ký mua gần 56 triệu đơn vị. Giá trúng bình quân cổ phiếu CTG chỉ có 20.265 đồng với mức đặt mua cao nhất là 45.000 đồng.
Giai đoạn này, đã có nhiều cổ phiếu Ngân hàng niêm yết mới bao gồm 2 ông lớn VCB, CTG cùng với các ngân hàng từng làm mưa làm gió trên OTC như MBB, EIB nhưng đều không thể trở lại thời huy hoàng như trước đây khi hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng “mong manh và nhạy cảm”, gắn liền với những biến động khá dữ dội của kinh tế vĩ mô trong và sau khủng hoảng. Dù vậy CTG cũng lên sàn với giá chào sàn 40.100 đồng.
Giai đoạn này cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tỷ trọng 2 chỉ số, nhưng bắt đầu giảm mạnh, nhất là khi GAS niêm yết vào 2012 và cũng không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Cuối năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV cũng tiến hành IPO với giá khởi điểm 18.500 đồng. Khi đó, giá VCB là 20.300 đồng và giá CTG là 17.400 đồng. Song ông lớn BIDV cũng phải “khất” mấy lần, đến tháng 1/2014 mới lên niêm yết chính thức.
Thế rồi năm 2015 đã đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng. Trong bối cảnh các trụ cột cũ của thị trường như GAS, VNM, VIC đang suy yếu thì nhóm ngân hàng đã tăng mạnh về vốn hóa và trở thành trụ cột dẫn dắt thị trường. Lúc cao trào, VCB đã vượt qua GAS, trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, CTG cũng vượt qua VIC, còn BID đã vượt qua MSN.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, VCB, CTG và BID có mức tăng giá lần lượt là 36%, 41% và 70%. VCB và BID đều vượt qua mức giá đỉnh từ trước đến nay.
VCB đã tăng từ giá 30.000 đồng/cp lên đến hơn 45.000 đồng/. CTG tăng từ giá 14.000 đồng/cp lên 20.000 đồng và BID đã đi từ giá 12.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh do trả cổ tức) lên 21.000 đồng. Hiệu ứng tăng giá từ VCB liên tục lan tỏa sang các cổ phiếu trong ngành và tác động đến xu hướng thị trường.
Diễn biến giá của cổ phiếu VCB từ đầu năm.
Trong năm 2014, hiếm có ngân hàng nào lọt vào danh mục những cổ phiếu có thanh khoản bình quân 1 triệu USD/tháng nhưng số lượng ngân hàng lọt vào danh sách trên trong năm 2015 đã tăng lên con số 5, trong đó có 4/6 ngân hàng trên HSX.
2 tuần gần đây, dòng cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là đi vào giai đoạn điều chỉnh và nhường chỗ cho nhóm dầu khí, bất động sản. Tuy nhiên, với những biến chuyển tích cực của nền kinh tế nói chung và chính sách được kỳ vọng là “nới room cho nhà đầu tư nước ngoài” tại ngân hàng, các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá rằng nhóm này vẫn sẽ là trụ cột cho những năm 2016, 2017.