Nhiều nước Đông Nam Á 'gặp hạn' vì kinh tế Trung Quốc
Indonesia, Malaysia và Singpapore được cho là đều chịu tác động nặng nề...
Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 6,8%, thấp nhất trong hai thập kỷ.
Theo hãng tin DW của Đức, việc kinh tế Trung Quốc suy yếu không khỏi khiến người ta lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực lên các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, bởi mối liên hệ chặt chẽ về thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các nước này.
Trong đó, Indonesia, Malaysia và Singpapore được cho là đều chịu tác động nặng nề khi kinh tế Trung Quốc khó khăn.
Indonesia
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang gặp khó khi phải đối diện với tình trạng tăng trưởng suy giảm, thất nghiệp tăng cao và thâm hụt ngân sách tăng mạnh.
Quý 2 năm nay, kinh tế Indonesia chỉ tăng trưởng 4,6%, thấp nhất từ năm 2009. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2015 xuống mức 5,0% từ mức 5,5% trước đó.
Thế nhưng, kinh tế Indonesia khó khăn còn bởi những chính sách ứng phó sai lầm của chính phủ nước này, khi quá bảo hộ các ngành sản xuất trong nước và vì thế đã phản tác dụng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Thượng Hải, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Indonesia đã không có kế hoạch điều chỉnh ngân sách phù hợp, dẫn đến nguồn thu giảm, tài chính khó khăn. Doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế phù hợp, dẫn đến chính sách cải cách kinh tế của chính phủ cũng không phát huy tác dụng.
Malaysia
Thời gian gần đây, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kinh tế Malaysia giảm nghiêm trọng.
Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc này đã chịu tác động nặng nề khi giá hàng hóa giảm và tiêu dùng nội địa đi xuống.
So với các đồng tiền khác tại châu Á, đồng nội tệ của Malaysia sụt giảm tệ nhất. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, đồng Ringgit đã giảm khoảng 15%.
Không chỉ đương đầu với các vấn đề kinh tế, Malaysia hiện còn đang gặp khó với những bê bối chính trị nội tại liên quan đến Thủ tướng Najib Razak.
Dự trữ ngoại tệ của Malaysia hiện giảm xuống mức 94,5 tỷ USD, thấp nhất 7 năm. Điều này khiến người ta không khỏi hoài nghi về khả năng bảo vệ đồng Ringgit của Malaysia.
Sau nhiều tháng chống đỡ với sự sụt giảm của đồng nội tệ mà không thành công, Chính phủ Malaysia mới đây đã phải áp dụng lại chính sách neo tỷ giá đồng Ringgit vào đồng USD, điều nước này từng làm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 1997.
Singapore
Singapore có thể coi như một nền kinh tế “hàn thử biểu” của khu vực Đông Nam Á.
Nước này có kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào thương mại, nên thường chịu tác động rất nhanh chóng từ diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới.
Thế nên dễ hiểu là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có nhiều khó khăn, kinh tế Singapore cũng tăng trưởng kém đi.
Quý vừa qua, kinh tế Singapore suy giảm 4,6% so với quý trước đó, chủ yếu do các yếu tố tác động từ phía Trung Quốc.