Nhà giàu mới nổi ở Triều Tiên

22/09/2015 14:53 PM |

các thương nhân giàu có đã tung ra những khoản đầu tư giúp ngành bán lẻ và xây dựng ở Bình Nhưỡng và một vài thành phố khác bùng nổ.

Những tràng cười rộ lên từ hàng ghế đầu của rạp xiếc thủ đô Bình Nhưỡng khi vở hài kịch diễn cảnh một người nông dân hành hạ một lính Mỹ (mũi to, đội tóc giả vàng hoe). Quân đội là lực lượng lao động sẵn sàng của nhà nước, và buổi biểu diễn là phần thưởng dành cho họ sau khi bị điều động làm việc vất vả cho công trình xây dựng mới nhất của thành phố.

Kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đam mê triển khai các dự án xây dựng với điểm nhấn là giải trí và thể hiện sự thịnh vượng, đúng như những gì đã hứa trước đó. Ông Kim nhanh chóng yêu cầu cải tạo hai công viên chính của Bình Nhưỡng. Một công viên nước, một rạp chiếu phim 4D và một bể nuôi cá heo được xây dựng, cùng với các công viên dọc bờ sông, các tòa nhà cao chọc trời và một cảng hàng không mới được khánh thành hồi tháng 7. Hiện tại một trung tâm mua sắm ngầm ở trung tâm thủ đô đang được xây dựng nhằm phục vụ tầng lớp các địa chủ mới nổi của Bình Nhưỡng.

Đứng đầu tầng lớp này là donju - các thương nhân giàu có đã tung ra những khoản đầu tư giúp ngành bán lẻ và xây dựng ở Bình Nhưỡng và một vài thành phố khác bùng nổ. Hoạt động thương mại không chính thức là một nét đặc trưng của đời sống Triều Tiên kể từ sau khi nạn đói lan rộng và hệ thống phân phối công cộng bị lung lay vào cuối những năm 1990. Đến nay, thậm chí một số donju tiến hành kinh doanh trong chính các doanh nghiệp nhà nước của Triều Tiên.

Chính điều này khiến diện mạo của thủ đô thay đổi. Một cụm các căn hộ cao cấp được hoàn thành sau chưa đầy 1 năm xây dựng mọc lên ở gần phố Changjon - khu vực được các nhà ngoại giao gọi là Pyonghattan (giống như Mahattan của nước Mỹ). Những donju thành công sở hữu những chiếc xe ô tô nhập ngoại xuất hiện trên những con phố nay đã đông đúc hơn. Taxi cũng xuất hiện nhiều hơn ở Bình Nhưỡng. Hầu hết các donju sử dụng điện thoại thông minh, có thể gọi điện và lướt mạng nội bộ Koryolink - một công ty liên doanh giữa nhà nước Triều Tiên và một doanh nghiệp Ai Cập tên là Orascom Telecom.

Sự phân khúc dân số ngày một gia tăng đã hiện hữu trên đường phố Bình Nhưỡng khi phụ nữ trẻ xúng xính trong những bộ trang phục lịch sự với áo khoác ôm khít, màu sắc táo bạo hơn và kính râm (trong thời gian dài kính râm từng là biểu tượng cho các nhân vật nữ phản diện trong bộ phim của Triều Tiên). Áo khoác phổ biến với hoa văn Burberry kín đáo ở vải lót.

Một phụ nữ Triều Tiên ở tuổi 30 cài chiếc ghim Chanel ngay trên chiếc ghim bắt buộc của những người cầm quyền dưới thời ông Kim. Một người phụ nữ thậm chí còn bị bắt gặp mang theo một chú chó cưng nhỏ trong chiếc túi xách thiết kế – cảnh tượng hết sức bình thường ở Tokyo hay Seoul nhưng hoàn toàn không thể xảy ra ở Bình Nhưỡng chỉ cách đây 5 năm. Giày cao gót cũng xuất hiện, một số đôi có màu da báo hay màu bạc.

Các doanh nhân đang tạo ra các xu hướng. Trong một khóa đào tạo cửa hàng 3 ngày cho các nữ doanh nhân ở Bình Nhưỡng được tổ chức bởi Choson Exchange, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Singapore, một nhân viên chính phủ ở tuổi gần 30 nói cô muốn mở cửa hàng bán đồ tráng miệng đầu tiên của thành phố, hay một tiệm làm móng. Qua nghiên cứu thị trường không chính thức, cô thấy cả 2 đều có tiềm năng lớn. Những người phụ nữ khác cũng đang điều hành các quán café, phòng tắm hơi và nhà hàng.

Vào cuối tuần, các gia đình donju đến quán café Sunriese, một cửa hàng cà phê có bán kèm bánh ngọt và kem. Cũng giống nhiều nhà hàng và cửa hàng khác, khách hàng có thể thanh toán với một thẻ tiền mặt chỉ dùng được với ngoại tệ có tên gọi là thẻ Narae. Ra mắt cuối năm 2010, được phát hành bởi ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, đây là cách để chính phủ Triều Tiên dễ dàng tích lũy ngoại tệ mạnh. Một cốc café espresso có giá 360 won Hàn Quốc, tương đương hơn 3 USD.

Theo lý thuyết, cocktail với giá 4.000 won bằng lương cả tháng của công chức nhà nước. Tuy nhiên, thường thì hầu hết đều có nguồn thu nhập thứ 2 trong ngành kinh tế không chính thống. Có thể nhìn thấy những dấu hiệu của nền kinh tế thị trường tại một cửa hàng bách hóa ở Kwangbok. Không giống như ở café Sunrise, tất cả hàng hóa đều được dán nhãn và bán với giá gần bằng thị trường chợ đen.

Buổi trưa thứ 6 thường là thời điểm ồn ào ở cửa hàng Kwangbok. Hàng hóa từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Singapore chen chúc trên các giá hàng. Một chai rượu Chivas Regal Scotch được bán với giá 272.000 won, tương đương 34 USD. Dầu gội đầu L’Oréal Garnier có giá 40.000 won. Một gói khăn vệ sinh của Trung Quốc có giá 10.500 won.

Với tất cả thay đổi trên ở Bình Nhưỡng, kiểu mua sắm này chỉ giới hạn trong tầm với của một số ít người. Sự mất cân bằng thu nhập diễn biến ngày càng nhanh với những người sống ở Bình Nhưỡng và những người sống ở những huyện tồi tàn của thành phố, giữa những người có ô tô và những người thậm chí không đủ tiền mua một chiếc điện thoại thông minh.

Trên quốc lộ đến thị trấn Pyongsong, nơi cách thủ đô 1 giờ lái xe về phía bắc, một chiếc xe tải chạy bằng khí đốt từ gỗ ù ù chạy qua những người nông dân đang cày bừa trên đồng và những người phụ nữ đang giặt quần áo trên sông. Với họ và hàng triệu người khác, những lời hứa hẹn của ông Kim về một kỉ nguyên mới thịnh vượng và nhàn nhã vẫn còn xa xôi.

Theo Phương Anh

Cùng chuyên mục
XEM