“Chúng ta thừa khả năng để sản xuất con ốc vít, nhưng chúng có đáng làm hay không?”

02/11/2014 11:00 AM |

"Nếu tham gia và chỉ sản xuất con ốc vít hay hơn thế nữa thì chúng ta cũng chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu." - TS. Vũ Đình Ánh

Sáng ngày 1/11/2014, tại Hà Nội, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo Diễn đàn Doanh nghiệp và CESTC đã tổ chức Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt”.

Tại diễn đàn, ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định, đòn bẩy giúp doanh nghiệp và sản phẩm Việt nâng cao được năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, không gì khác chính là yếu tố khoa học và công nghệ.

Và Tiến sỹ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cũng đã nói, thế giới này dù có tiêu chuẩn quốc tế nhưng không ngăn cản chúng ta sáng tạo và có sự khác biệt, tuy nhiên phải là sự khác biệt có trí tuệ.

“Cái gì quyết định giá sản phẩm của Apple? Hàng trăm linh kiện đều sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan nhưng giá trị gia tăng tạo ra ở các nước này chỉ khoảng 5%. Giá trị gia tăng của sản phẩm là ở trình độ nghiên cứu, trình độ công nghệ chế tạo ra sản phẩm và thương hiệu của Apple.” – Tiến sỹ Thành phát biểu.

Đại diện cho doanh nghiệp công nghệ, ông Vũ Thanh Thắng - Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav nhận xét, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa trên sự khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, khai thác tài nguyên nhiều rồi cũng đến lúc cạn kiệt, nhân công giá rẻ thì chỉ thu về lợi ích, giá trị thấp. Do đó nền kinh tế dễ rơi vào sự phụ thuộc, không thể phát triển bền vững. Tình hình này buộc các doanh nghiệp phải biết khai thác và đầu tư cho phát triển bền vững.

Minh họa bằng chiếc điện thoại nổi tiếng thị trường hiện nay là Iphone 6 – một sản phẩm mới của Apple (giá khoảng 17 – 20 triệu VND), ông Thắng cho biết, một chiếc điện thoại như vậy có hàng trăm linh kiện được cung cấp bởi rất nhiều các hãng linh kiện khác nhau. Chỉ riêng phần màn hình cũng được lắp ghép từ sản phẩm của hơn chục hãng cung cấp linh kiện.

Theo con số mà ông Thắng đưa ra thì 100 nhà sản xuất linh kiện tạo nên Iphone 6 chỉ chia nhau một miếng bánh có giá trị 250 USD tương đương khoảng 6 triệu VND. Hay nói cách khác, tính bình quân mỗi nhà sản xuất phụ trợ chỉ được 60.000 VND cho mỗi chiếc Iphone.

Rõ ràng, với việc nắm trong tay công trình nghiên cứu, chế tạo, thiết kế, marketing … Apple được hưởng miếng bánh lớn nhất và lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, ông Thắng cho rằng con đường phát triển công nghiệp phụ trợ không thể làm thay đổi nền kinh tế của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã đi sau các công xưởng chế tạo của thế giới một khoảng thời gian dài.

Không chỉ khó cạnh tranh, mà thực tế ngành này cũng sẽ không đem lại giá trị gia tăng cao. Theo đó, ông Thắng nhấn mạnh, đầu tư phát triển các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ cao mới là con đường đúng đắn để chúng ta có bước nhảy nhanh hơn, cao hơn.

Nhưng để làm được điều này cần có gì? Việt Nam có yếu tố thuận lợi nhất chính là trí tuệ con người. Còn doanh nghiệp, hãy tự xây dựng một văn hóa riêng đúng đắn và phù hợp.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

“Nếu tham gia và chỉ sản xuất con ốc vít hay hơn thế nữa thì chúng ta cũng chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi khẳng định chúng ta thừa khả năng để sản xuất con ốc vít, nhưng vấn đề là chúng có đáng làm hay không, có đúng sản phẩm then chốt hay không. Câu chuyện lại trở về việc lựa thế so sánh và lợi thế tương đối với sản phẩm mà doanh nghiệp lựa chọn trong chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Vũ Đình Ánh nói.

Lấy dẫn chứng cho con đường ‘‘lựa chọn sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ cao để phát triển” ông Vũ Thanh Thắng đã giới thiệu về sản phẩm SmartHome của công ty Bkav. Ông Thắng chia sẻ, công ty đã phải theo đuổi 11 năm để phát triển các sản phẩm thông minh, thậm chí do không tìm được nhà sản xuất phụ trợ nội địa phù hợp, 5 năm trước công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện cho sản phẩm này để có thể sản xuất đồng bộ từ thiết kế sản phẩm, mạch điện tử, phần mềm, nút nhựa, cơ khí, đột dập…

Ông Thắng cho hay, hiện nay, các hãng Google, Apple, Samsung cũng đã nhảy vào lĩnh vực nhà thông minh, nhưng sản phẩm của các hãng này còn sơ khai, chưa có một hệ thống hoàn chỉnh. Trong khi đó, hệ thống của công ty đã hoàn chỉnh từ thiết bị chiếu sáng, kiểm soát môi trường, an ninh...

Thông qua việc này, ông Vũ Thanh Thắng khẳng định:

‘‘Tôi muốn chứng minh một điều rằng, doanh nghiệp Việt Nam, nếu chọn lựa đúng về mặt công nghệ và con người thì hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm công nghệ cao, thậm chí là tốt hơn các doanh nghiệp nổi tiếng thế giới”.

>> Vì sao không làm nổi sạc pin và ốc vít?

Theo Bảo Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM