Người Nhật dạy thế giới cách ứng xử với người Hồi giáo như thế nào?

18/11/2015 09:20 AM |

Kể từ khi đạo Hồi bắt đầu du nhập vào Nhật cuối thế kỷ 19, cộng đồng Hồi giáo tại Nhật đã phát triển lên quy mô hơn 100 nghìn người thế nhưng không hề có xung đột với người bản địa. Phương Tây có lẽ cần học Nhật trong cách đối xử với người đến từ tôn giáo khác.

Thân thiện với những nền tôn giáo khác biệt

Khi chứng kiến thông tin về những vụ khủng bố tại Paris, Laura Gattig không khỏi bàng hoàng. Là một người Mỹ theo đạo Thiên chúa và biết đến đạo Hồi chủ yếu qua vài năm sống ở Tokyo, nữ giáo viên 40 tuổi này cho rằng có nhiều điều mà phương Tây cần học từ Nhật trong cách ứng xử đối với người đạo Hồi.

Cô vẫn còn nhớ những ngày ở Tokyo, một trong những địa điểm ghé thăm yêu thích của cô là một nhà thờ Hồi giáo. Ở nơi này cô gặp rất nhiều người Nhật cũng đến đây tìm hiểu về đạo Hồi giống như cô. Tất cả mọi người đều rất niềm nở với nhau, cô cảm thấy mình rất ấm áp dù đang sống với những người có tôn giáo hoàn toàn khác biệt.

Cho đến hiện tại, không nhiều nước trên thế giới làm tốt hơn người Nhật trong việc giúp người Hồi giáo hòa nhập với cộng đồng.

Trong tháng Ramadan, tháng nhịn ăn của người Hồi giáo, chủ các doanh nghiệp Nhật vui vẻ chấp nhận việc năng suất lao động làm việc của nhiều nhân viên thấp hơn bởi họ phải nhịn ăn từ sáng sớm cho đến tận 7h tối hàng ngày.

Nhiều công ty đồng thời thiết kế cả phòng cầu nguyện để nhân viên có thể yên tâm làm việc nhưng vẫn giữ được thói quen sinh hoạt tôn giáo.

Tại phần lớn các địa điểm công cộng của Nhật như nhà ga, sân bay, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều phòng cầu nguyện. Đó là còn chưa kể đến hiện nay ở Nhật hiện có khoảng 100 nghìn người Hồi giáo nhưng cũng có hơn 100 tổ chức Hồi giáo hoạt động khá thoải mái. Trong một bữa tiệc với đại diện những người theo đạo Hồi mới đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khẳng định lại về mối quan hệ thân tình giữa Nhật và thế giới Hồi giáo.

Từ thời điểm vụ khủng bố ngày 11/09/2001 tại Mỹ, hình ảnh của người Hồi giáo trong mắt người phương Tây đã trở nên xấu đi. Trong khi Trung Quốc có những chính sách khá thù địch với người Hồi giáo như cấm nhịn ăn trong tháng Ramadan hay những hoạt động trừng phạt các cộng đồng Hồi giáo thiểu số thì Nhật lại thể hiện thái độ hoàn toàn trái ngược.

Khi quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc trở nên xấu đi, Nhật lập tức nới lỏng các quy định visa áp dụng với sinh viên đến từ Malaysia và Indonexia, đồng thời cấp nhiều học bổng cho giới chính trị gia cũng như nghiên cứu để đưa họ sang Nhật học. Hiện tại, Indonexia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Hiện nay ở nhiều nơi tại Nhật, người ta thấy ngày một nhiều những người phụ nữ đội khăn trùm đầu Hồi giáo.

Trung tâm Hồi giáo đầu tiên được thành lập ở Nhật năm 1963. Từ đó đến nay, trung tâm đã có khá nhiều chủ tịch và Musa Omar cũng là một trong số đó. Là một người sùng đạo Hồi, khá khép kín trong cuộc sống cá nhân nhưng trong các cuộc tiếp xúc với bên ngoài, Omar tỏ ra là một nhà lãnh đạo giỏi, biết nói chuyện với nhiều đối tượng và biết truyền cảm hứng cho người khác.

Omar cho biết đạo Hồi đang ngày một phát triển tại Nhật dù họ không hề cố gắng truyền đạo. Ngày một nhiều người Nhật đến nhà thờ Hồi giáo, số lượng đám cưới giữa người theo đạo Hồi và theo các tôn giáo khác ngày một tăng.

Và với tính cách tôn trọng sự riêng tư của người khác, trong nhiều trường hợp đơn giản người Nhật không quan tâm đến sự khác biệt của đạo Hồi. Cộng đồng người đạo Hồi tại Nhật cũng có cách hành xử rất khác, tại các nhà thờ Hồi giáo ở Nhật, không có sự phân biệt nào giữa người Hồi giáo dòng Sunni hay Shia.

Tôn giáo tách biệt với quan điểm sống

Người Hồi giáo tại Nhật đến từ nhiều nước và khu vực khác nhau trên thế giới như châu Á, châu Phi và Trung Đông. Và trong khi sự thù địch của nhiều người phương Tây vẫn luôn ám ảnh tâm trí họ thì cách hành xử của người Nhật không khỏi khiến họ suy nghĩ khác.

Tokyo Camii là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Nhật. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Ottoman và mang nhiều nét kiến trúc đặc trưng của Arab. Tối thứ Sáu nào nhà thờ cũng đông chật những tín đồ đến cầu nguyện.

Bên trong khi mà các hoạt động cầu nguyện vẫn diễn ra thì bên ngoài có rất nhiều đoàn khách Nhật cả trẻ lẫn già cũng như các nước khác đến thăm nhà thờ. Hướng dẫn viên nói cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Sau khi thăm quan xong, du khách xếp hàng nhận phần quà nhỏ từ nhà thờ.

Khác với nhiều nước phương Tây nơi mà đạo Thiên Chúa giáo và đạo Hồi thường xung đột nhau, nước Nhật không đối diện với vấn đề này. Trong tâm trí nhiều người phương Tây thường tồn tại một nỗi sợ rằng người đạo Hồi sẽ kéo đến đông đúc, số dân người đạo Hồi sẽ lấn át cả người đạo Thiên chúa.

Theo nhà sử học Martin Gilbert, giới chính trị gia cũng như truyền thông châu Âu đang vẽ nên hình ảnh đạo Hồi một cách tiêu cực thái quá, nó tạo ra một hình ảnh Hồi giáo với toàn những điểm tiêu cực.

Nỗi lo lắng này cũng đã được nhắc đến trong cuốn sách “The Myth of the Muslim Tide: Do Immigrants Threaten the West?” hay “Những hiểu lầm về đạo Hồi: Những người nhập cư liệu có thực sự đe dọa phương Tây” của tác giả Doug Saunders.

Ông Saunders nhấn mạnh có những sự đối đầu của nhiều nền văn minh, và nó chính là sản phẩm của những sự hiểu nhầm về đạo Hồi. Phân tích và số liệu của ông cũng cho thấy rằng trên thực tế phần lớn người đạo Hồi nhập cư không quan tâm đến luật Hồi giáo Shariah. Tỷ lệ sinh trong cộng đồng này thực tế đang giảm và họ cũng đã và đang thay đổi cách sống cho giống người phương Tây.

Trong khi đó đối với người Nhật, họ không quan tâm đến việc đạo Hồi có đối nghịch với đạo Phật hay không. Thế lực đối lập duy nhất của nước Nhật, đối với nhiều người Nhật chính là Trung Quốc. Người Nhật tôn trọng sự khác biệt của người nước ngoài, giống như việc họ coi tháng Ramadan là điều bình thường vậy.

Anh Rahil Khan năm nay 47 tuổi. Anh đến Nhật cách đây 10 năm sau khi rời Pakistan. Anh cho biết anh thấy rất hài lòng khi sống ở Nhật: “Nhiều người Nhật cảm thấy cô đơn trong gia đình. Chính vì vậy, họ tìm đến nhà thờ Hồi giáo để tìm người nói chuyện và pha trò cười. Trong tháng Ramadan, ở thời điểm phát thức ăn cuối ngày, số người người Nhật đến xếp hàng nhận thức ăn còn đông hơn cả người đạo Hồi. Tất nhiên chẳng ai thiếu ăn cả, họ đến vì họ tôn trọng đạo Hồi, đơn giản vậy thôi.”

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM