Người Hà Nội chê chợ

13/11/2012 14:04 PM |

Các bà nội trợ chê chợ truyền thống, tìm đến các siêu thị.

Chợ giá tăng vô tội vạ

Dạo quanh một số khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, như chợ Thái Hà, Nghĩa Tân, Cổ Nhuế, Bưởi... vào giờ cao điểm hay ngày cuối tuần, khách vẫn èo uột.

Cô Nguyễn Thị Vân, chủ sạp đồ khô tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), cho biết gần nửa năm nay, số lượng người dân đi chợ mua sắm đồ ngày càng ít. Có nhiều lúc,  khu vực bàn quần áo, dày dép, đồ thực phẩm khô... chỉ thấy người bán mà chẳng có ai mua.

Tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm), theo quan sát của PV, cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Hơn 8h mà các cửa hàng thời trang, đồ khô... trên khu nhà 2 tầng vẫn tối om, Phần lớn chủ sạp hàng vẫn chưa buồn mở cửa, ai mở rồi thì ngồi chơi, ngóng khách.

Tại khu bán thực phẩm, tuy chưa đến mức "người bán nhiều hơn người mua" nhưng khách hàng có thể vô tư đi xe từ đầu tới cuối chợ và có thể dừng xe ở bất cứ chỗ nào mua hàng mà không sợ làm tắc đường, ảnh hưởng tới những người khác.

Nhiều tiểu thương cho rằng, tình trạng các chợ vắng bóng khách, hàng hóa ế ẩm là do người dân cắt giảm chi tiêu, việc mua sắm cũng được cắt giảm. Ngoài ra, các chợ cóc, chợ tạm mọc ngày càng nhiều, thậm chí ngay trước lối vào, cướp khách của chợ chính.

Nhưng, theo ghi nhận của PV, chợ vắng khách không chỉ bởi những nguyên nhân trên. Phần lớn người dân được hỏi đều cho rằng chợ ế ẩm, èo uột khách là do tiểu thương tăng giá vô tội vạ, hàng hoá lại nhập nhèm chất lượng và nguồn gốc xuất xứ nên bị người dân chê.

Bác Đặng Thanh Hoài ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nôi), nhận xét: "Hàng hóa ở chợ mỗi ngày một giá, tăng hay giảm đều do tiểu thương, chẳng ai quản lý. Nhiều lần xăng dầu tăng có mấy trăm đồng/lít nhưng tiểu thương dựa hơi đẩy giá hàng hóa tăng phi mã, chẳng theo quy luật nào. Khi xăng dầu giảm giá, tiểu thương ở chợ lại lơ đi. Còn khi trời mưa, rau xanh tăng một thì về chợ, tiểu thương vin cớ tăng mười".

Trước kia, kinh tế dư giả thì còn tạm chấp nhận được chứ giờ trong thời kỳ việc gì cũng cần phải cắt giảm thì chuyện hàng hóa ngoài chợ tăng giá phi mã như vậy khiến người dân phải chùn chân, tính đến những chỗ mua hàng bình ổn, đảm bảo chất lượng. Thế nên, chợ vắng khách chẳng có gì lạ - bác Hoài nói.

Còn chị Ngô Thị Oanh ở Đặng Tiến Đông (Đống Đa) cho rằng, chuyện tăng giá của tiểu thương chỉ là một phần làm chợ vắng khách, phần còn lại là do hàng hóa tại chợ luôn nhập nhèm chất lượng, được tiểu thương đổi "quốc tịch", lừa người tiêu dùng nhằm bán hàng giá cao.


Chị Oanh chia sẻ: "Ra chợ hỏi loại quả nào người bán cũng giới thiệu hàng Việt, Thái Lan, Mỹ... Thậm chí, vào tháng 9, tháng 10, cam Hà Giang chưa đến mùa mà tại chợ, người bán đã biến cam Trung Quốc thành cam ngọt Hà Giang hết". Không chỉ có vậy, nhiều mặt hàng chỉ có tăng chứ không có giảm, thực phẩm bẩn cũng tràn lan khắp chợ".

Nhiều lần như vậy, giờ dân cũng phải rút ra kinh nghiệm và cẩn trọng hơn khi mua hàng tại chợ. Hiện nay, mọi thực phẩm chị Oanh dùng trong gia đình chủ yếu mua tại siêu thị, tuy đắt hơn chút ít nhưng đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định hơn.

Siêu thị hút sức mua

Khác với chợ, ngoài chuyện giữ giá ổn định, siêu thị ngày càng chăm chỉ khuyến mãi, giảm giá, đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn để hút sức mua.

Tại các siêu thị như BigC, Co.op Mart, Fivimart... lúc nào cũng có chương trình khuyến mãi giảm giá, hết đợt này đến đợt khác, nối tiếp nhau.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị BigC, cho hay, để kích cầu mua sắm, siêu thị này luôn có nhiều chương trình khuyến mãi, bao phủ nhiều ngành hàng như thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng may mặc thời trang... Lượng khách đến mua sắm đông hơn hẳn. Nhờ đó, doanh thu của siêu thị ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái, không giảm sút mặc dù dân đang thắt chặt chi tiêu.

Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nói rằng thời gian này, nhất là vào tháng khuyến mãi Hà Nội 2012, các doanh nghiệp đều tung ra nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu nên sức mua tại các siêu thị nhìn chung đều tăng. Đặc biệt, với những nhóm hàng nằm trong các chương trình khuyến mãi, sức mua tăng từ 5-15%.

Ông Phú khẳng định, khuyến mãi giảm giá là chuyện doanh nghiệp nên làm. Tuy nhiên, mặt hàng tiêu dùng lại giảm giá chưa nhiều. Ông cho rằng, với các mặt hàng thiếu yếu như lương thực, thực phẩm... cần giảm giá nhiều nhất, bởi kể cả trong khó khăn, người tiêu dùng vẫn phải chi tiêu hàng ngày. Nếu phía doanh nghiệp đẩy mạnh khuyến mãi nhóm hàng này, chắc chắn sẽ hút được sức mua hơn nữa.

Theo Bảo Hân
Vef

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM