Người dân Việt Nam đã được quyền chuyển đổi giới tính
Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Tuy nhiên cần hiểu rõ xác định lại giới tính là thuật ngữ để chỉ thủ tục nhằm điều chỉnh lại giới tính của một người do có khuyết tật cơ thể về giới tính hoặc bộ phận sinh dục chưa được định hình chính xác trong khi chuyển đổi giới tính là người có cơ thể bình thường nhưng vẫn đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Về cơ sở pháp lý, điều 36 bộ luật dân sự sửa đổi bổ sung năm 2005 đã cụ thể hóa quyền xác định lại giới tính, giúp cho những người chưa định hình được giới tính một cách chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật.
Pháp luật quy định tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính cho phép thực hiện xác định lại giới tính đối với những người vừa nêu, đăng ký lại hộ tịch và nghiêm cấm phân biệt đối xử cũng như tiết lộ thông tin cho người khác biết. Những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa được định hình chính xác, trước và sau hoàn toàn bình đẳng về quyền nhân thân với các công dân khác. Họ có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền được tôn trọng bí mật đời tư như quy định tại điều 37 và 38 BLDS 2005 .
Còn về chuyển đổi giới tính, trước đây pháp luật nước ta nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính (khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008NĐ-CP). Tuy nhiên hôm nay Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Bộ Luật Dân sự 2005: Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó Bộ Luật dân sự (sửa đổi) mới được thông qua hôm nay:
Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tich; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.