Vì sao Tim Cook quyết định công khai giới tính thật?

03/11/2014 09:34 AM | Công nghệ

Chúng ta bắt đầu bàn về quyết định của CEO Apple - Tim Cook bằng câu chuyện của một nhà lãnh đạo quyền lực khác, John Browne.

Trong nhiều năm, John Browne - cựu CEO của tập đoàn dầu khí BP đã phải sống một cuộc sống không phải là chính mình. Trước khi bị một tờ báo Anh công khai đưa tin, ít ai biết rằng ông là một người đồng tính.

Browne đã lo lắng rằng việc công khai giới tính thật của mình sẽ gây thiệt hại cho BP và có thể kết thúc sự nghiệp của ông. "Các nhà cung cấp sẽ bỏ rơi tôi, khách hàng của tôi sẽ ra đi. Còn đối thủ cạnh tranh, họ sẽ nghĩ tôi yếu đuối. Chính phủ nước ngoài sẽ ngừng kinh doanh với tôi", Browne nói với Mashable trong một cuộc phỏng vấn. Ngay khi bị tiết lộ bí mật động trời này vào năm 2007, ông đã quyết định từ chức ngay ngày hôm đó.

Bảy năm sau, Browne thức dậy với một dòng tít khiến ông nhớ đến hình ảnh của chính mình năm xưa: Tim Cook, Giám đốc điều hành của công ty có giá trị nhất thế giới, vừa tự hào tuyên bố rằng, ông chính là người đồng tính. Vấn đề giới tính của Giám đốc điều hành của Apple đã được đồn đại trong nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên ông lên tiếng xác nhận.

Browne, tác giả của tựa sách The Glass Closet: Why Coming Out Is Good Business nói ông rất ngạc nhiên về công bố của Tim Cook, hay nói chính xác hơn là ngạc nhiên và vui mừng. “Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ tạo ra được một hình mẫu quan trọng. Một hình mẫu (CEO) chưa bao giờ có từ trước đến nay”. Trong danh sách 500 CEO hàng đầu của tạp chí Fortune, Tim Cook là vị giám đốc điều hành đầu tiên dám đưa ra quyết định táo bạo này.

Có lẽ lý do trên hết cho hành động của Cook là nhằm khẳng định có rất nhiều công việc vẫn đang cần phải được xử lý ở công ty, và ông muốn công ty của ông sẽ trở thành một không gian lý tưởng, nơi mà các thành viên của cộng đồng LGBT cảm thấy thoải mái nhất để thể hiện bản thân một cách cởi mở và thành công hơn. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây đã cho thấy người Mỹ đang trở nên mở lòng hơn với vấn đề hôn nhân đồng tính, nhưng định hướng giới tính tại nơi làm việc vẫn còn đang là một vấn đề.

Tại Mỹ hiện nay, chỉ có 21 tiểu bang đưa ra lệnh cấm phân biệt đối xử với các nhân viên đồng tính, điều đó nghĩa là đại đa số các tiểu bang không có biện pháp bảo vệ hay ngăn chặn việc các nhân viên LGBT bị sa thải, sách nhiễu hoặc bố trí việc làm không thích hợp. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Lãnh đạo trường Đại học Deloitte thì có đến 83% nhân viên đồng tính rất khép kín tại nơi làm việc. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến năng suất làm việc của họ.

Có thể nói Apple là một nơi làm việc rất lý tưởng. Trước khi đưa ra công bố, khuynh hướng tình dục của Cook đã được biết đến bởi nhiều người từng làm việc với ông. Tuy nhiên, ông đã và đang phải đối mặt với những rủi ro đến từ quyết định đáng chú ý này, chẳng hạn như ông có thể bị một số khách hàng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài xa lánh.

Tuy nhiên tính đến hiện nay, quyết định của Tim Cook đang nhận được những bình luận tích cực đến từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn ở phố Wall. Việc làm của ông được xem là có thể truyền cảm hứng cho những giám đốc điều hành khác, dám dũng cảm để thực hiện điều tương tự. "Tôi hy vọng đây là một bước đệm hướng tới bình đẳng. Nó chắc chắn đã làm cho việc công khai giới tính dễ dàng hơn với bất kỳ ai", Gene Munster, một nhà phân tích của Apple cho biết.

Browne, cựu CEO hãng BP ví hành động của Tim Cook như việc đặt một viên gạch lên con đường đang xây dở. Đây chính là con đường đưa cộng đông LGBT đến với ánh sáng của công lý và sự bình đẳng. Và cần có nhiều hơn những viên gạch như thế, để con đường vĩ đại đó sớm được hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất.

>> Tim Cook: 'Tôi tự hào vì mình là gay'

Minh Trí

CTV Minh Trí

Cùng chuyên mục
XEM