Ngân hàng 'đau đầu' vì thừa tiền

17/06/2014 15:57 PM |

Giữa lúc tín dụng mang gam màu xám xịt thì các chỉ số về thanh khoản, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại diễn biến theo xu hướng sáng sủa mà nếu nhìn kỹ, giống như sự trêu ngươi.

Nửa năm trôi qua, nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ 1,31% so với cuối 2013. Nhiều ánh mắt đang dõi về Ngân hàng Nhà nước, nhưng mục tiêu 12% - 14% cứ trơ lì như một thách thức.

Tiền nhiều không biết làm gì

Trong phiên họp báo cáo trước Chính phủ vào tháng 5/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phải thừa nhận một sự thật không mấy dễ chịu với nhà điều hành chính sách tiền tệ: “Năm tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dao động từ 1,1% - 1,3%, cầu rất yếu, dù mặt bằng lãi suất cho vay tùy kỳ hạn giảm 0,5%/năm - 1%/năm”. Theo kế hoạch, trong 7 tháng còn lại của năm, mức tăng tín dụng phải đạt từ 10,69% - 12,69%.

Cũng theo ông, lãi suất tiền vay không còn là sự trở ngại để doanh nghiệp tiếp cận vốn khi trọng tín dụng có lãi suất dưới 10% đã chiếm tới 72%.

Trong lúc tăng trưởng tín dụng là một bức tranh màu xám thì thì tình hình lãi suất tại các thị trường lại mang gam màu sáng sủa:

Tại thị trường liên ngân hàng: lãi suất qua đêm đến 1 tuần: 1,8% - 2,3%/năm; 2 tuần đến 1 tháng: 2,5% - 3,2%/năm. Sự dư thừa vốn khả dụng khiến Ngân hàng Nhà nước phải gia tăng hút tiền qua kênh phát hành tín phiếu thêm 8 nghìn tỷ đồng, kể từ 9/6 - 13/6.

Còn ở thị trường 1, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn tiếp nối điệp khúc vượt trội so với tín dụng như từng diễn ra suốt từ đầu năm. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 23/5, huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng tới 4,2% nhưng tín dụng chỉ tăng 1,31% như nói trên.

Bên cạnh đó, trong tháng 5/2014, khi sự kiện biển Đông xảy ra, được cho là đã kích hoạt yếu tố tâm lý lên thị trường, làm cho tỷ giá tăng kịch trần biên độ.

Mặt trái của thừa vốn

Mức tăng trưởng tín dụng qua 6 tháng đầu năm dự kiến chỉ có thể ở mức 2,1% và phía trước là cả “ngọn núi” nếu muốn cán đích 12% - 14%.

Ở góc độ kinh doanh, trầm luân trong xu hướng cầu tín dụng đình trệ một thời gian dài, các ngân hàng thực sự đang trong những ngày bĩ cực. Trong lúc các chương trình tín dụng cho “ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”, “cho vay theo chuỗi” và gần đây là “đánh bắt xa bờ”… chủ yếu mới đang “khua chiêng gõ kẻng” thì các ngân hàng đã phải tự lo lấy thân.

Ngày 11/6 vừa qua, 8 ngân hàng thương mại gồm BIDV, SHB, LienVietPostbank, Agribank, VietinBank, Vietcombank, VNCB, MHB tung ra 4 chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư 7.778 tỷ đồng; trong đó, các ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong chuỗi với tổng số tiền 6.149 tỷ đồng.

Cũng do dư thừa vốn, có ngân hàng như LienVietPostbank gần như cho không lãi suất trong thời gian đầu giải ngân.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực ngân hàng này nói: “Những ai là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được vay tiêu dùng, mua nhà, sửa nhà, mua ôtô. Họ được quyền lựa chọn hình thức trả gốc, lãi. Lãi suất trong 2 tháng đầu tiên là 0%/năm, những tháng tiếp theo 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 9%/năm trong 1 năm đầu…”.

Khi mà tín dụng VND không tăng trưởng như mục tiêu, thì mặt trái của dư thừa vốn khả dụng VND sẽ lộ rõ: các ngân hàng sẽ nhòm ngó sang thị trường vàng, ngoại tệ mỗi khi có cơ hội tạo sóng, và bài học “sự kiện biển Đông” vừa qua là một ví dụ.

>> Bơm gói tín dụng 100.000 tỷ vào bất động sản bằng cách nào?

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM