Ngân hàng “cõng” trái phiếu Chính phủ: Con trâu biến thành voi?
“Hệ thống ngân hàng không thể cứ cõng đủ thứ, từ cho vay sản xuất kinh doanh đến cho vay cổ phiếu và mua trái phiếu Chính phủ”.
Nội dung nổi bật:
- Một thống kê khác từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, “top 10 thành viên kinh doanh trái phiếu Chính phủ 2014” cũng có tới 9 ngân hàng và một công ty chứng khoán là thành viên của ngân hàng.
- Theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, phải làm thế nào đó để người dân có tiền không chỉ nhăm nhăm gửi tiết kiệm mà toàn xã hội cùng “chơi trái phiếu Chính phủ”.
- Hệ thống ngân hàng không thể cứ cõng đủ thứ, từ cho vay sản xuất kinh doanh đến cả cho vay chứng khoán và mua trái phiếu Chính phủ.
Lễ vinh danh các nhà tạo lập thị trường xuất sắc 2014 trở thành sân chơi của các ngân hàng thương mại và thực tế trên 90% tổng lượng trái phiếu chính phủ cũng do các ngân hàng thương mại nắm giữ đã cho thấy những méo mó trên thị trường vốn hiện nay.
Cận Tết Nguyên đán, tại hội nghị thành viên thị trường trái phiếu chính phủ 2015, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã trao giải cho các “nhà tạo lập thị trường xuất sắc 2014”. Điều dễ nhận thấy, ngoài các ngân hàng, không còn thành phần nào khác góp mặt vào nơi này.
Một mình một chợ
Vị trí nhất, nhì, ba của giải thưởng trên được trao cho Techcombank, BIDV, Maritimebank.
Cùng với đó, 8 thành viên ký chung “thỏa thuận nhà tạo lập thị trường - MMA” cũng là các ngân hàng thương mại BIDV, Vietcombank, HSBC Việt Nam, ANZ Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Techcombank, Maritimebank, Sacombank.
Thậm chí, “top 10 thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ 2014” ở hội nghị này cũng được trao cho 5 ngân hàng thương mại lớn, có thêm sự góp vui của 5 công ty chứng khoán nhưng phần lớn đều “dây mơ, rễ má” đến các ngân hàng.
Một thống kê khác từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, “top 10 thành viên kinh doanh trái phiếu Chính phủ 2014” cũng có tới 9 ngân hàng và một công ty chứng khoán là thành viên của ngân hàng.
Thậm chí, từ kết quả này, một ngân hàng là ABBank đã lấy đó như là một điểm nhấn truyền thông của đầu năm 2015, để “khoe” với thị trường.
Những tưởng sau khi Nghị quyết 78/2014/QH13 của Quốc hội có hiệu lực, chỉ cho phép Kho bạc Nhà nước huy động các trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không huy động kỳ hạn ngắn 52 tuần, 2 và 3 năm thì kết quả trúng thầu sẽ thấp, nhưng thực tế, diễn biến đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 1/2015 diễn ra ngược lại với dự đoán trên.
Thống kê từ VBMA cho thấy, trong tháng 1/2015, Kho bạc Nhà nước tổ chức 3 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu 19 nghìn tỷ đồng thì tổng giá trị trúng thầu là 17.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,6%, tăng mạnh so với tỷ lệ 72,28% của tháng 12/2014, kể cả khi lãi suất trúng thầu giảm rất mạnh so với năm 2014.
Ngay cả với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội vốn không được ưa chuộng như trái phiếu Chính phủ, nhưng ngày mở hàng đầu năm cũng rất may mắn, với giá trị trúng thầu lên tới 7.602 tỷ đồng so với tổng giá trị gọi thầu là 11 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo VBMA, hầu hết số giấy tờ có giá nói trên đều do các ngân hàng và một số công ty chứng khoán được sự hậu thuẫn của ngân hàng mua.
Xác lập công cụ của thị trường vốn
Theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, bất kỳ nước nào trên thế giới, muốn phát triển thị trường vốn lành mạnh, đều phải xây dựng thị trường trái phiếu, trong đó, trái phiếu Chính phủ được coi là công cụ lõi có tính chất nền tảng cho cả thị trường.
“Muốn trái phiếu chính phủ trở thành công cụ định hướng thì chúng phải trở thành hàng hóa và ai cũng có thể mua bán được. Muốn mua bán thuận tiện thì hàng hóa phải đa dạng, giá cả hợp lý và bày ra ở chợ. Chợ ở đây họp rất thoải mái, góc phố, ngõ hẻm nào cũng có thì người mua mới thuận lợi”, ông Bình nói.
Theo phân tích của Thống đốc, khi đã tạo được thị trường trái phiếu chính phủ với mặt bằng lãi suất từng kỳ hạn hợp lý, thì sẽ định hướng cho cả thị trường vốn. Ở chỗ, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu có cùng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ nhưng giá cao hơn hoặc bằng trong khi độ rủi ro cao hơn, mức độ bảo hiểm thấp hơn thì thị trường sẽ không mua mà sẽ hướng về trái phiếu Chính phủ.
Tương tự như vậy, doanh nghiệp muốn phát hành ra công chúng, muốn lên sàn cũng phải dựa vào giá trái phiếu chính phủ nếu không muốn “ế sưng”.
Vậy làm thế nào để mọi người có thể có cơ hội mua trái phiếu Chính phủ, thay vì chỉ có ngân hàng?
Ông Bình phân tích: “Không có mấy doanh nghiệp mua trái phiếu chính phủ ngoại trừ ngân hàng nhưng mua xong, nếu thiếu thanh khoản lại lên chiết khấu ở ngân hàng trung ương. Điều đó quá dở!”.
Theo ông, phải làm thế nào đó để người dân có tiền không chỉ nhăm nhăm gửi tiết kiệm mà toàn xã hội cùng “chơi trái phiếu Chính phủ”. Tất nhiên là với điều kiện, mặt hàng này vừa đem lại lợi suất cố định không thua kém lãi suất ngân hàng vừa có thể bán ngay khi giá hời.
Khi đó, dòng tiền vào ngân hàng sẽ chỉ một phần nhất định, phần còn lại đẩy sang thị trường vốn để phục vụ cho đầu tư. Đồng thời, nhờ đó mà lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục hạ xuống.
“Hệ thống ngân hàng không thể cứ cõng đủ thứ, từ cho vay sản xuất kinh doanh đến cả cho vay chứng khoán và mua trái phiếu Chính phủ. Con trâu khoẻ đến mấy thì cũng phải có giới hạn; cứ chất mãi lên nó trong khi nó không phải con voi, sớm muộn gì cũng sập.
Biết được như vậy thì phải tháo bớt hàng để nó trở về đúng sức của nó thì nó mới sống lâu, mới đi được đường dài. Phần hàng còn lại thì phải chất sang bên thị trường chứng khoán!”, ông Bình “chốt” lại.
>> Cầu mua trái phiếu quốc tế của Việt Nam gấp 10 lần cung
Theo Nguyễn Hoài