Nhìn lại đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu: 'Cứ chờ xem đã…'

10/11/2014 11:32 AM |

“Một số ý kiến xem đợt phát hành lần này cũng chỉ là đảo nợ mà thôi. Nhưng đảo nợ đâu phải là xấu. Các quốc gia khác vẫn làm và ở đây lợi ích chi phí lãi suất và cơ cấu kỳ hạn có được rất rõ ràng”, một chuyên gia cho biết.

Thành công rồi, bạn ạ!”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm trả lời qua điện thoại, khi đợt phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam vừa kết thúc tại New York (Mỹ).

Đó là một buổi sáng cách đây đã 9 năm, ngày 28/10/2005.

Người viết còn nhớ niềm vui của Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm thể hiện trong cuộc gọi đó. Kế hoạch hoàn tất, mọi áp lực đối với người giữ trọng trách triển khai được cởi bỏ.

9 năm, 3 đợt

Áp lực, bởi đó là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam ra khơi tìm vốn bằng phát hành trái phiếu. Quanh sự kiện này, Bộ Tài chính đã từng tổ chức hai cuộc họp báo lớn trong nước, nhiều cuộc tiếp xúc và giới thiệu tới nhà đầu tư quốc tế tại các thị trường lớn; giao dịch trái phiếu sau đó được theo dõi từng giây, thời điểm tiền chảy về tài khoản cũng được thông báo rất cụ thể…

Đợt phát hành được đánh giá thành công, theo quy mô đặt mua (4,5 tỷ USD), lãi suất trái phiếu (7,125%/năm, thấp hơn dự kiến ban đầu 7,25-7,5%/năm). Nhưng hơn hết, nó là câu trả lời cho phép thử về một hướng tìm vốn mới của Chính phủ, là câu trả lời từ giới đầu tư quốc tế về vị thế của Việt Nam lúc đó.

Nói một cách hình ảnh, Việt Nam bắt đầu “nhập môn” với trái phiếu quốc tế. Để rồi đến đầu năm 2010, Chính phủ tiếp tục có đợt phát hành thứ hai.

Và cuối tuần qua, thêm một lần nữa kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế “thành công vượt mức mong đợi” (đánh giá trong thông tin công bố của Bộ Tài chính). Việt Nam đã xử lý tốt hơn các vấn đề nội tại của nền kinh tế để tiếp cận nguồn vốn bên ngoài với cấp độ cao hơn hai lần trước; đã vượt qua “kỳ thi” với kết quả tốt hơn.

Cụ thể, đợt phát hành đã thu hút tới 437 nhà đầu tư quốc tế, tổng lượng đặt mua kỷ lục với hơn 10,6 tỷ USD; đặc biệt, chi phí khoản vay đã nhẹ đi rất nhiều khi lãi suất chỉ 4,8%/năm, thấp hơn so với dự kiến ban đầu là 5,125%/năm, thấp hơn hẳn so với mức của hai lần phát hành trước đây.

Tiền tươi, thóc thật. Lãi suất thấp hơn dự kiến giúp tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu (trong 10 năm). Giá trị hơn, như trên, Việt Nam đã đi ra bên ngoài mượn vốn với vị thế tốt hơn. Sự “tốt hơn” này là đong đếm được.

“Phần thưởng xứng đáng”

Cho rằng kết quả phát hành trên là tích cực, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từ chối bình luận khi phóng viên đặt một số câu hỏi liên quan.

Có lẽ vì đây là kế hoạch của Chính phủ và Bộ Tài chính là đầu mối trực tiếp triển khai, dù có liên quan một phần lớn kết quả điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua.

Còn theo phân tích của Bộ Tài chính, một yếu tố/ghi nhận thuận lợi cho đợt phát hành là hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và Fitch vừa lần lượt nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, sau đó là cho một loạt ngân hàng thương mại.

Việc được nâng hạng, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đạt được của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, trong điều hành chính sách tiền tệ và trong yêu cầu kiểm soát tốt hơn an toàn hệ thống ngân hàng thương mại những năm gần đây.

Nếu đọc bản báo cáo của Fitch, bạn sẽ để ý kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, khu vực đối ngoại mạnh hơn, xuất khẩu đẩy mạnh, nhìn chung môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh hơn trước nên điều đó củng cố việc xếp hạng tín nhiệm”, bà Kwakwa nói.

Vị đại diện WB cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã có những thay đổi rõ nét và điều đó đã được ghi nhận.

Như, lạm phát từ trên 20% đã giảm được về mức thấp 6-7%; tăng trưởng tín dụng bùng nổ giai đoạn 2000-2010, có năm lên tới 53%, cùng tỷ lệ đòn bẩy tín dụng tới trên 100% GDP đã được kiểm soát “vừa phải” hơn hai năm qua; lãi suất đã khả quan hơn thay cho những mức nóng bỏng trước đây…

Riêng về khu vực ngân hàng, ba năm trước đã có vài tin đồn về hệ thống ngân hàng gần như sụp đổ, một cuộc khủng hoảng lớn. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Bạn biết không, đúng là vẫn tồn tại một vài vấn đề, tôi muốn nói không có gì là hoàn hảo cả, nhưng khủng hoảng đã được kiểm soát”, bà Kwakwa nhìn lại.

Việc kiểm soát đó được Giám đốc WB tại Việt Nam gắn với những thay đổi đáng kể về cơ chế và khuôn khổ pháp lý, hướng tới sự hoàn thiện hơn. Đó là việc nhận diện đúng hơn và mở rộng vùng nhận diện nợ xấu; việc bắt đầu triển khai hiệp ước về việc áp dụng Basel 2 đối với an toàn hệ thống ngân hàng; những điều chỉnh mới về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong hệ thống...

Những thay đổi này đi cùng với việc nâng cao tính minh bạch - điểm mà giới đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế luôn coi trọng. Hay như bà Victoria Kwakwa nói: “Tất cả những điều đó, Việt Nam đang đi đúng hướng”.

Ngoài những thay đổi trên, trong báo cáo của Fitch còn ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối tốt, kiểm soát chặt chẽ hơn tăng trưởng tín dụng, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là chuỗi 4 năm liên tiếp thặng dư cán cân vãng lai.

Đi cùng với trạng thái thặng dư đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng được dự trữ ngoại hối lên kỷ lục với hơn 35 tỷ USD. Như báo chí từng đề cập, “bồ thóc” dự trữ ngoại hối là một trong những điểm đầu tiên mà các hãng xếp hạng tín nhiệm và nhà đầu tư quốc tế nhìn vào để định hình các đánh giá, quyết định.

“Cứ chờ xem đã…”

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế mà phóng viên tham vấn lại lưu ý ở những điểm mà Việt Nam đang gặp phải và chưa thực sự giải quyết được.

Ông dẫn lại báo cáo của Fitch, bên cạnh những kết quả về ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát được ghi nhận, việc điều hành chính sách tiền tệ và sự minh bạch hơn về nợ xấu được khích lệ, thì vẫn còn đó quan ngại của họ về thâm hụt ngân sách và vấn đề nợ công, hay nợ xấu vẫn ở mức cao, cải cách khối doanh nghiệp nhà nước chưa thuyết phục, thu nhập bình quân vẫn thấp hơn các quốc gia trong nhóm cùng hạng…

Một số ý kiến xem đợt phát hành lần này cũng chỉ là đảo nợ mà thôi. Nhưng đảo nợ đâu phải là xấu. Các quốc gia khác vẫn làm và ở đây lợi ích chi phí lãi suất và cơ cấu kỳ hạn có được rất rõ ràng. Nhưng tôi chưa dám nói đánh giá của mình là thành công. Cứ phải chờ xem đã…”, chuyên gia này thận trọng.

Vì theo ông, vay được vốn hay đảo được nợ với chi phí thấp hơn là đáng mừng, nhưng phải chờ xem ở việc sử dụng vốn. Nói cách khác, hiệu quả sử dụng vốn vay mới quyết định thành công hay không.

Ngay như đợt phát hành lần đầu tiên với 750 triệu USD, được đánh giá là thành công, nhưng đầu mối sử dụng vốn về sau với “câu chuyện Vinashin” thì vẫn còn đó…

>> FinanceAsia: Tỷ lệ thầu đợt phát hành trái phiếu Việt Nam thành công bậc nhất lịch sử thị trường châu Á

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM