Một công bố khác về Top 10 ngân hàng được quan tâm nhất: Không có tên VIB, TPBank, PVComBank

23/12/2015 18:12 PM |

Ngay sau khi Vietnam Report công bố báo cáo uy tín truyền thông ngành ngân hàng, một công ty phân tích uy tín ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á cũng đưa ra các báo cáo về truyền thông ngành ngân hàng, trong đó, Top 10 ngân hàng được truyền thông quan tâm nhất không còn những cái tên không có nhiều nổi trội như VIB, TPBank, PVComBank…

Theo số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 12/2015, nhóm các ngân hàng xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông Việt có thể kể đến Vietcombank, BIDV, VietinBank hay Sacombank.

Trong Top 10, MB Bank nhận tỷ lệ nhận định tích cực nhiều nhất (hơn 30% tổng số thông tin) từ báo chí nhờ kết quả kinh doanh khả quan và các hoạt động sáp nhập cũng như mối quan hệ với cổ đông khá thuận lợi.

Vietcombank, BIDV và VietinBank có tần suất và tỷ lệ nhận định truyền thông tương đối đồng đều nhờ các vụ sáp nhập diễn ra thuận lợi và sự đóng góp tích cực của các ngân hàng này trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng do Ngân hàng nhà nước khởi xướng. Trong ba ngân hàng này, BIDV ít thông tin xấu hơn cả.

Các ngân hàng như Agribank, ngân hàng Xây Dựng (CB) hay Ocean Bank xuất hiện trên truyền thông với những thông tin và nhận định rất tiêu cực (50-60% thông tin xấu, gấp 5 lần ngưỡng an toàn để bảo đảm danh tiếng).

Agribank và CB “dính” vào các vụ án điều tra liên quan đến sai phạm của lãnh đạo và nhân viên gây thất thoát cho ngân hàng hàng nghìn tỉ đồng. Oceanbank gặp nhiều khó khăn thanh khoản trong nửa đầu năm và đã bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Media Tenor đưa ra nhận định: Có thể thấy rằng khủng hoảng của ngành đã qua nhưng rủi ro thì vẫn còn đó.

Trong danh sách trên, Top 10, thậm chí là Top 15 ngân hàng hấp dẫn truyền thông nhất do Media Tenor đưa ra không có những cái tên như VIB, TPBank, PVComBank – những cái tên được xếp Top 10 ngân hàng có điểm số uy tín cao nhất Việt Nam do Vietnam Report công bố sáng nay.

M&A là chủ đề được quan tâm nhất

Chuyên gia nghiên cứu truyền thông Nguyễn Thu Hiền (Media Tenor Vietnam) cho biết: “Hoạt động M&A, xu thế chủ đạo của ngành ngân hàng là chủ đề được báo chí quan tâm nhất.”

Có sự điều tiết của ngân hàng nhà nước, một loạt các vụ sáp nhập đã diễn ra tích cực trong năm. Kéo theo đó, các chủ đề liên quan như nhân sự chủ chốt, giá cổ phiếu ngân hàng, nợ, kết quả kinh doanh hay chiến lược sản phẩm cũng trở thành các chủ đề nóng cho báo giới.

Có một điểm khác biệt rất rõ ràng ở đây là: scandals của các ngân hàng vốn là chủ đề trung tâm của năm 2013 và 2014 thì nay ít được báo chí quan tâm.

Bà Hiền khẳng định: “Tham gia vào xu hướng chung sẽ đảm bảo cho các ngân hàng luôn có được tần suất truyền thông ổn định trên ngưỡng nhận thức, góp phần chủ động quản lý danh tiếng của mình.”

“Việc ít quan tâm tới quản trị danh tiếng công ty, không coi trọng vấn đề quan hệ với báo giới khiến tin tức về các công ty (bao gồm ngân hàng) trên truyền thông chỉ phản ánh một góc độ, khía cạnh nào đó, thay vì phản ánh ‘một bức tranh toàn cảnh.’ Việc không thường xuyên kết nối với báo chí sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đối phó với các cuộc khủng hoảng truyền thông.”

Theo bà Hiền, các doanh nghiệp có tần suất xuất hiện trên truyền thông trên ngưỡng nhận thức (ít nhất 3-5 bài/tờ báo/tháng), có tỷ lệ nhận định xấu dưới 10% và nhận định tốt từ 20% trở lên trong một giai đoạn thường đi kèm với uy tín và danh tiếng bền vững trong cùng giai đoạn và ngay sau đó.

Nghiên cứu này dựa trên 16.760 thông tin ngành trên 7 kênh truyền hình và báo kinh tế hàng đầu Việt Nam và 202.229 thông tin ngành trên 8 tờ báo kinh tế hàng đầu quốc tế.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM