Điểm mặt 10 lãnh đạo ngân hàng xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông Việt 2015

22/12/2015 17:05 PM | Kinh doanh

Đó là ông Trần Phương Bình (ngân hàng Đông Á), Lê Hùng Dũng (Eximbank), Trầm Bê (Sacombank), Lê Đức Thọ (VietinBank), Trần Bắc Hà (BIDV), Phạm Thanh Hà (VCB), Phạm Công Danh (VNCB), Đỗ Quang Hiển (SHB), Phạm Hồng Hải (HSBC) và Nguyễn Thanh Toại (ACB).

Đây là kết quả nghiên cứu của Media Tenor (công ty phân tích các nội dung truyền thông trên các phương tiện truyền thông uy tín nhất ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á), dựa trên hơn 4,500 thông tin về ngành trên 7 kênh truyền hình và báo kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2015.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu, hơn một nửa trong số những lãnh đạo này “bị” truyền thông để ý và dành nhiều giấy mực do các scandals họ vướng phải trong nửa cuối năm.

Đáng chú ý nhất trong top những người lãnh đạo ngân hàng được truyền thông chú ý là ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch VNCB đã bị cơ quan điều tra Bộ Công An kết luận: gây thiệt hại hơn 9 ngàn tỷ đồng cho VNCB.

Đấy chính là lí do vì sao tất cả các thông tin về ông Danh trong nửa cuối năm này là hoàn toàn tiêu cực. Ông này bị các chuyên gia và báo chí chỉ trích nặng nề.

Tiếp theo là ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và Phó chủ tịch hội đồng quản trị của Đông Á Bank, (EAB) là nhân vật được báo chí Việt chú ý trong số các lãnh đạo ngân hàng.

Thông tin về ông Bình từ cuối tháng 8 đầy tiêu cực do quyết định của Ngân hàng nhà nước đình chỉ chức danh Tổng giám đốc sau cuộc thanh tra toàn diện của ngân hàng. Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước, EAB đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của EAB.

Ông Lê Hùng Dũng và ông Trầm Bê, nguyên lãnh đạo của ngân hàng Eximbank và Sacombank đều có quyết định rút lui khỏi vị trí chủ chốt tại hai ngân hàng. Hành động này của hai ông cùng với tình hình hoạt động của hai ngân hàng đã trở thành tâm điểm của báo chí và khiến cho thông tin về hai ông có một phần tiêu cực. Còn lại là các thông tin trung tính.

Ngược lại, trong số lãnh đạo được truyền thông Việt chú ý nhất này, Phạm Hồng Hải, tổng giám đốc của ngân hàng HSBC được ưu ái hơn cả khi thông tin và hình ảnh về ông hầu hết là tích cực và trung tính. Ông được biết đến với những nhận định, phân tích và dự đoán về các chính sách tiền tệ và những biến động về tỉ giá hay chuyển biến của ngành ngân hàng.

Ngoài ra, còn phải kể đến ông Lê Đức Thọ (Vietin Bank), Phạm Thanh Hà và Trần Bắc Hà. Dù cho những nhận định và thông tin về những người đứng đầu này hoàn toàn trung tính (100%). Nhưng, đó chính là kết quả tích cực trong tình hình cơ cấu lại ngành ngân hàng với nhiều biến động và thay đổi.

Ông Lê Đức Thọ vốn được báo chí chú ý từ đầu năm bởi vì ông đang đứng đầu một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam Vietinbank với những kết quả khả quan so với tình hình chung của ngành ngân hàng.

Ông Phạm Thanh Hà, phó Tổng giám đốc Vietcombank và ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Ngân hàng BIDV cũng đánh dấu hình ảnh của mình trên truyền thông Việt với những nhận định về chính sách tiền tệ và những nỗ lực trong việc phát triển ngân hàng của mình.

Trong danh sách trên, ông Phạm Hồng Hải là lãnh đạo ngân hàng Việt Nam duy nhất được truyền thông quốc tế nhắc đến. Những nhận định của ông về thị trường tài chính và chứng khoán được đăng tải trên những tờ báo kinh tế hàng đầu như Financial Times hay Handelsblatt.

Bà Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia nghiên cứu truyền thông của Media Tenor Việt Nam cho biết: “danh tiếng của công ty nói chung và ngân hàng nói riêng được xây dựng dựa trên trải nghiệm của cá nhân và thông tin trên truyền thôngBáo chí và khách hàng ngày càng quan tâm đến những nhân vật đứng đầu của ngân hàng thay vì chỉ tập trung vào ngân hàng và các sản phẩm.”

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM