Morgan Stanley: "USD mạnh đẩy giá dầu xuống còn 20 USD/thùng"

12/01/2016 08:47 AM |

Theo các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley, đồng USD là đòn bẩy đẩy giá dầu. Nếu đồng USD tăng 5% thì giá dầu có thể giảm 10 - 25%.

Theo báo cáo mới nhất vừa được ngân hàng Morgan Stanley công bố, do đồng USD liên tục tăng giá nên giá dầu thô biển Bắc có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 20 USD/thùng.

Theo các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley, đồng USD là đòn bẩy đẩy giá dầu. Nếu đồng USD tăng 5% thì giá dầu giảm 10 - 25%. Tình trạng dư cung dầu trên toàn cầu đã kéo giá dầu xuống dưới mức 60 USD/thùng, nhưng chênh lệch giữa hai mức 35 và 55 USD có nguyên nhân phần lớn là do tác động của USD.

"Với xu hướng tiếp tục tăng giá của đồng USD, giá dầu có thể giảm xuống đến 20 - 25 USD/thùng. Ngoài yếu tố chủ đạo là đồng USD, nhiều yếu tố khác cũng sẽ đẩy giá dầu đi xuống", báo cáo viết.

2015 đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp giá dầu thô biển Bắc sụt giảm và mới chỉ có hơn chục ngày từ đầu năm đến nay nhưng giá dầu đã giảm tổng cộng 11%. Tháng 12/2015, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC bỏ giới hạn sản lượng. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư dầu trên thị trường thế giới.

Tuần trước, trong bối cảnh Trung Quốc chật vật tìm cách ổn định tỷ giá và cứu thị trường chứng khoán, giá dầu cũng đã sụt giảm. Mức tăng 3,2% của đồng USD (cũng có nghĩa là đồng nhân dân tệ mất giá 15%) có thể làm giá dầu giảm còn khoảng 20-30 USD/thùng. Nếu các đồng tiền khác cũng biến động mạnh, giá trị của đồng USD và giá dầu có thể còn thay đổi nhiều hơn, theo Morgan Stanley.

Morgan Stanley không phải là đơn vị đầu tiên dự báo giá dầu sẽ giảm đến 20 USD/thùng. Tuy nhiên, các ngân hàng lại đưa ra lời giải thích khác. Goldman Sachs thì cho rằng các bể chứa dầu sẽ đạt đến giới hạn, đẩy giá dầu thô xuống đến mức phải dừng sản xuất.

Theo Morgan Stanley, giá dầu có thể giàm còn khoảng 20-30 USD/thùng nhưng không phải do những lý do thường được nhắc đến, càng không phải vì những yếu tố căn bản đang ngày một xấu đi.

Theo Thu Trang

Cùng chuyên mục
XEM