Molenbeek, “pháo đài” khủng bố giữa lòng châu Âu

19/11/2015 09:55 AM |

Mới cách đây khoảng chục ngày, đối với cảnh sát quận Molenbeek tại thủ đô Brussels, Bỉ, thì Ibrahim Abdeslam vẫn chỉ là một chủ quán bar bình thường.

Mới cách đây khoảng chục ngày, đối với cảnh sát quận Molenbeek tại thủ đô Brussels, Bỉ, thì Ibrahim Abdeslam vẫn chỉ là một chủ quán bar bình thường.

Abdeslam từng bị phạt vì chứa chấp kinh doanh ma túy và rượu lậu, nhưng trong suốt khoảng thời gian trước đó, anh ta không có điểm gì nổi bật.

Gia đình của Abdeslam tại địa phương cũng được cho là luôn thân thiện với hàng xóm và duy trì cuộc sống bình thường.

Nhưng đến cuối tuần trước, người ta choáng váng khi nhận được thông tin Abdeslam đã đánh bom tự sát ở bên ngoài sân vận động State de France tại Paris, Pháp. Tên này và đồng bọn đã cùng tiến hành hàng loạt vụ tấn công, cướp đi sinh mạng của 129 người dân vô tội.

“Quận thánh chiến”

Thế nhưng nếu lật lại lịch sử khủng bố tại châu Âu, Molenbeek lâu nay vẫn thường được biết đến với cái tên “pháo đài Hồi giáo”, “trung tâm của vũ khí lậu và khủng bố”, “quận thánh chiến”.

Bài báo mới đây trên New York Times đã nhìn lại lý do tại sao khu vực nằm trong lòng thủ đô Brussels của nước Bỉ lại trở thành một “cái nôi” của chủ nghĩa khủng bố.

Molenbeek có một lịch sử dài liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, khi trong quãng thời gian 20 năm qua, nhiều vụ khủng bố tại châu Âu đều có chút dính líu nào đó đến quận này. Dân số quận có đến hơn 50% là người nhập cư.

Phần đông người nhập cư cũng không gây ra vấn đề gì với người dân và chính quyền sở tại, nhưng có một số lượng không nhỏ có cách hành xử khác biệt. Hoạt động buôn bán và sử dụng ma túy ngầm được cho là diễn ra khá phổ biến.

Nhiều phóng viên ngạc nhiên khi phát hiện ra giữa châu Âu có một nơi như Molenbeek, nơi họ nhìn thấy hàng đoàn người nhập cư với những phụ nữ che kín mặt, đàn ông để râu rất dài, rậm.

Một số cư dân của quận này được cho là đã gây ra ít nhất 4 cuộc khủng bố tại châu Âu trong hai năm qua. Cho đến trước vụ khủng bố Paris, vụ tấn công tàu tốc hành Thalys (tháng 8/2015), vụ tấn công Charlie Hebdo (1/2015) và vụ Mehdi Nemmouche tấn công nhà thờ Do Thái (5/2014) đều được lên kế hoạch ở đây.

Và ngoài Abdeslam, anh trai của hắn ta và một kẻ khác nữa đứng đằng sau vụ khủng bố tại Paris mới đây cũng từng có thời gian khá lâu sống tại Molenbeek.

Những kẻ này tự do đi lại thoải mái giữa Bỉ và nhiều nước châu Âu khác, trong đó có Pháp, mà không gặp phải vấn đề gì.

Việc giới chức an ninh Bỉ và Pháp đã không thể phát hiện được mối nguy khủng bố từ Abdeslam thêm một lần nữa cho thấy sự bất lực trong công tác tình báo của hai nước này.

Từ Bỉ sang Pháp

Salah Abdeslam thuê một chiếc xe ôtô ở Bỉ, lái nó đến Pháp để chở những kẻ khủng bố khác đến nhà hàng để xả súng, đến nhà hát để bắt giữ và tàn sát con tin, đến sân vận động để đánh bom.

Và ngay cả sau khi các cuộc tấn công khủng bố đã kết thúc, hắn vẫn đàng hoàng lái xe trên các đường phố của Paris.

Hắn bị cảnh sát Paris giữ lại một lần trên đường, nhưng đã được cho đi. Cảnh sát Pháp đã để hắn vuột khỏi tay, và giờ lại phải cố gắng truy tìm.

Vụ việc này khiến người ta không khỏi thấy hoài nghi về năng lực của cơ quan tình báo Bỉ và Pháp, đó là còn chưa nói đến mức độ an toàn của hệ thống kiểm soát biên giới châu Âu, khi đã cho phép những kẻ khủng bố đi lại tự do.

Ông François Heisbourg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và đồng thời là chuyên gia hàng đầu trong chống khủng bố ở châu Âu, thừa nhận: “Cứ mỗi khi có một vụ tấn công, chúng tôi lại phát hiện ra rằng cảnh sát đã nắm được nhân thân và tiền sử tội phạm của chúng rồi. Có nghĩa là tại nhiều cơ quan an ninh châu Âu đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa khả năng điều tra và khả năng ngăn chặn các hành vi phạm tội”.

Abdeslam và Abdelhamid Abaaoud, kẻ được cho là chủ mưu của tất cả các vụ khủng bố ở Paris ngày thứ Sáu tuần trước sống cách đồn cảnh sát Molenbeek chỉ chưa đầy 200 m, và đều từng có va chạm nhỏ với chính quyền.

Abdelhamid Abaaoud từng xuất hiện trong nhiều đoạn video của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thế nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà hắn vẫn thoải mái ra vào Bỉ. Tại Bỉ, hắn cũng từng bị cảnh sát giữ lại một lần, nhưng rồi thả đi vì so ảnh với người thực không thấy giống.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí của IS mới chỉ thực hiện trong năm nay, Abaaoud rất tự đắc: “Chúng tôi đã mất rất nhiều tháng mới tìm được đường vào châu Âu, nhờ thánh Allah, chúng tôi đã đến được nước Bỉ. Chúng tôi có nơi ăn chốn ở an toàn, có nơi trữ vũ khí để có thể tiến hành những cuộc chiến đấu chống lại kẻ ác”.

Tất cả hoạt động của những kẻ khủng bố như Abaaoud đã diễn ra mà không gặp phải cản trở nào từ chính quyền. Tên này cho biết cũng có đôi lần hắn bị cảnh sát thẩm vấn vì một vài tội danh nhỏ, nhưng họ chẳng tìm được mối liên quan nào giữa hắn với thế giới khủng bố.

Khi được biết về việc có đến 3/7 nghi phạm khủng bố Paris sống tại quận mình, quận trưởng Françoise Schepmans không khỏi ngạc nhiên. Ông nói: “Quận của chúng tôi quá nhỏ. Gần như ngày nào chúng tôi chả giáp mặt nhau. Đành rằng họ có một số lỗi nho nhỏ, nhưng việc họ có thể gây ra vụ khủng bố kinh khủng đến vậy thì tôi không thể tưởng tượng nổi”.

Họ hàng và bạn bè của những kẻ khủng bố cũng thấy ngạc nhiên, bởi suốt thời gian dài trước đó, họ cũng chẳng thấy chúng có điều gì đặc biệt.

Anh trai của một trong những kẻ đánh bom tự sát Paris thậm chí còn đang là một nhân viên mẫu mực của chính quyền địa phương, khi được thẩm vấn về hành vi phạm tội của em mình, anh ta khẳng định không hề biết gì và không thể nghĩ đó lại có thể là người thân của mình.

Tại sao?

Đất nước Bỉ nhỏ bé có đến hơn 400 công dân đã trốn đến Syria để chiến đấu cho IS, con số cao hơn bất kỳ nước nào khác tại châu Âu.

Đó là chưa kể đến việc đã từ lâu hoạt động kinh doanh và buôn lậu súng ở Bỉ là một ngành kinh doanh phát đạt và có quy mô lớn nhất châu Âu.

Theo GS. Jelle van Buuren tại Đại học Leiden, Hà Lan, với những kẻ khủng bố, Bỉ là đất nước có hàng rào pháp lý và an ninh lỏng lẻo nhất châu Âu, nơi chúng dễ dàng mua được vũ khí và vận chuyển đi nơi khác.

Ngoài ra, nước Bỉ bị chia tách thành 3 vùng với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau hoàn toàn, chính vì vậy cơ quan an ninh sở tại gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm cũng như hợp tác tình báo.

Luật pháp của Bỉ cũng được cho là đang làm khó các cơ quan an ninh. Hiện tại, cảnh sát không được phép theo dõi các cuộc nói chuyện trên điện thoại, vì thế họ khó có thể phát hiện được những kẻ đang có âm mưu khủng bố. Trong khi đó luật của Pháp cũng như nhiều nước tại châu Âu khác chấp nhận cho hành vi này.

Chính vì vậy, nếu muốn tấn công vào Pháp, địa điểm lý tưởng nhất để lên kế hoạch khủng bố chính là Bỉ, bởi 1/3 người Bỉ nói tiếng Pháp, khả năng bị phát hiện rất thấp.

Bỉ còn nằm ở vị trí trung tâm châu Âu, vì vậy không chỉ nước Pháp dễ trở thành mục tiêu tấn công, mà còn nhiều nước khác thuộc lục địa châu Âu cũng sẽ có thể bị khủng bố, bắt đầu từ đây.

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM