Mỗi ngày người Hà Nội ăn 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá và 3.200 tấn rau...
Đó là thông tin được ông Nguyễn Bá Bằng – Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội tiết lộ tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn TP. Hà Nội năm 2015 diễn ra sáng nay 30/12.
Ông Nguyễn Bá Bằng cho hay, thành phố Hà Nội hiện có 7,2 triệu người và thường xuyên có khoảng gần 3 triệu lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh cư trú và làm việc. Nhu cầu thực phẩm của Hà Nội là rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho 7,2 triệu người, thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại.
Như vậy, trung bình một ngày một người Hà Nội ăn 183gr thịt, 83gr cá và 444 gr rau củ.
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá các loại; 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi…
Số thực phẩm còn lại do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội, chiếm 40-80% là những sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, các chuỗi vẫn duy trì và không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như chuỗi rau của tỉnh Sơn La tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Fivimart, Biggreen là 285 tấn/năm; thịt (gia súc, gia cầm) 1,7 tấn/năm; thịt gà, thịt lợn rau hữu cơ, trái cây Hòa Bình tiêu thụ tại chuỗi của hàng Biggreen là 5 tấn/năm…
Tuy nhiên, trong năm qua công tác kết nối tiêu thụ rau, thịt sạch trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam cho hay, vẫn còn những bất cập về yêu cầu bao gói, tem dán, dụng cụ chứa đựng, quy trình lựa chọn sản phẩm... Đặc biệt, năm 2014, doanh nghiệp đã "dở khóc dở cười" khi bán thịt tươi ra thị trường.
Lý do là: Doanh nghiệp để cả tảng thịt cắt cho người tiêu dùng thì sản phẩm chỉ cần giấy chứng minh, kiểm định của thú y. Song, nếu cắt ra 3 miếng nhỏ cho vào khay riêng lại yêu cầu phải dán: tem cân, tem sản phẩm, tem thú y.
Với mỗi một tem dán, cơ quan thú y bán cho doanh nghiệp với giá 500 đồng. Chính việc này đã làm tăng chi phí sản phẩm, bất lợi cho người dùng.
Thậm chí, giấy chứng nhận VietGap chỉ được trong 1 thời gian nhất định. Do đó, khi hết hạn, chưa được cấp lại, đang trong thời gian thu mua thì những sản phẩm đó bị tồn đọng tại cơ sở sản xuất, gây thiệt hại cho bà con nông dân.
"Cơ quan nhà nước cần phải làm thế nào để cho các HTX có được chứng nhận liên tục, không thì các sản phẩm này sẽ bị tồn đọng, không đưa ra được sản phẩm ra thị trường, gây thiệt hại cho bà con nhân dân, còn doanh nghiệp thì mất khách hàng", bà Hậu nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám cho hay, Hà Nội có quyền đưa ra vận dụng các quy định riêng của Hà Nội. Tuy nhiên, phải nằm ở 2 điểm quan trọng cần bàn:
Thứ nhất, đảm bảo sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng an toàn.
Thứ hai, cơ sở cung cấp bán thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm cao nhất toàn bộ quy trình chuỗi. Cần phải tính sản phẩm an toàn này nằm trong 1 chuỗi từ đầu vào đến tay người tiêu dùng như Vingroup. Có như vậy, doanh nghiệp chỉ cần làm theo Thông tư 45 lấy sản phẩm cuối cùng đi kiểm tra mà không cần làm theo chứng nhận VietGap.
"Trách nhiệm cuối cùng là người bán hàng với người tiêu dùng. Trách nhiệm cuối cùng không phải là của nhà nước. Cơ quan nhà nước đứng sau làm nhiệm vụ kết nối người bán với người sản xuất, kiểm tra giá sát, thực hiện quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất chứ cơ quan nhà nước không đứng ra cung ứng sản phẩm", Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.