Mặt 'phải' của khủng hoảng tài chính

01/03/2015 10:27 AM |

Một nghiên cứu mới được thực hiên bởi Stephen Rose của Đại học George Washington, đã chỉ ra rằng bất bình đẳng thu nhập đã không thực sự tăng lên kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Nội dung nổi bật:

- Một nghiên cứu mới được thực hiên bởi Stephen Rose của Đại học George Washington, đã chỉ ra rằng bất bình đẳng thu nhập đã không thực sự tăng lên kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu.

- Khủng hoảng tài chính đã làm giảm thu nhập trước thuế của nhóm người giàu nhất tại Hoa Kỳ.

- Thu nhập sau thuế của 1% người ở những hộ gia đình có thu nhập cao nhất giảm 27% trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2011, trong khi đó thu nhập của 95% những người ở các hộ gia đình có thu nhập thấp còn lại chỉ giảm 1% đến 2%. 


Theo Charles P. Kindleberger và Robert Aliber trong “Manias, Panics, and Crashes: A History of Financial Crises”, khủng hoảng tài chính là khái niệm mô tả các tình huống mà ở đó các định chế tài chính hoặc tài sản tài chính bị mất đi phần lớn giá trị của chúng.

Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều cuộc khủng hoảng tài chính có liên quan đến sự rối loạn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng dẫn đến nhiều đợt suy thoái về kinh tế. Khủng hoảng tài chính còn bao gồm một số tình huống khác như sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu và sự nổ tung của các bong bóng giá tài sản tài chính, khủng hoảng tiền tệ, và thậm chí là sự vỡ nợ quốc gia.

Lịch sử nền kinh tế thế giới đã xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng tài chính lớn như cơn sốt hoa Tulip ở Hà Lan 1637, khủng hoảng Công ty Nam Dương ở Anh 1720, đại khủng hoảng ở Mỹ 1929, thỏa thuận Bretton Woods 1944–1971, khủng hoảng nợ các nước Châu Mỹ La tinh thập niên 1980, ngày thứ Hai đen tối 1987, khủng hoảng cơ chế tỷ giá châu Âu 1992–1993, khủng hoảng ở Mexico 1994–1995, khủng hoảng Đông Á 1997–1998, khủng hoảng ở Argentina 2001–2002, và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ 2007–2009.  

Các cuộc khủng hoảng tài chính đã mang lại hậu quả nặng nề và lâu dài cho sự phát triển của kinh tế mỗi quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên một nghiên cứu mới được thực hiên bởi Stephen Rose của Đại học George Washington, đã chỉ ra rằng bất bình đẳng thu nhập đã không thực sự tăng lên kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Đây là một khám phá nghiên cứu thú vị và quan trọng trong bối cảnh bất bình đẳng là một chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các các nhà nghiên cứu, các chính trị gia và cả các tổ chức phi chính phủ. Bắt nguồn từ cuộc nổi dậy ở phố Wall với khẩu hiệu “1% và 99%” bất bình đẳng về thu nhập dần trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của nền kinh tế thế giới.

Năm 2015, trước thềm hội nghị kinh tế thế giới tại Davos, tổ chức Oxfam đã công bố nghiên cứu chỉ ra rằng trong năm 2014, 1% những người giàu nhất trong dân số toàn cầu sở hữu 48% tổng giá trị tài sản; 20% người giàu nhất trong nhóm 99% được cho là sở hữu 46,5% tổng giá trị tài sản và kết quả là 80% người trong số 99% còn lại chia sẻ chỉ 5,5% giá trị tổng tài sản trên toàn cầu. Và nếu xu hướng này tiếp tục, Oxfam dự báo cho đến năm 2016 sở hữu tài sản toàn cầu của 1% những người giàu nhất sẽ vượt qua 50% giá trị tài sản toàn cầu.

Bên cạnh đó, báo cáo kinh tế 2015 của tổng thống Obama cũng đã tập trung vào vấn đề bất bình đẳng về thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về bất bình đẳng trong thu nhập và hậu quả của nó trở thành những vấn đề được cả thế giới quan tâm, “Tư bản trong thế kỷ 21” với nội dung về bất bình đẳng trong thu nhật của Thomas PiKety trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 2014. 

Nghiên cứu Stephen Rose tại Đại học George Washington đã cho thấy khủng hoảng tài chính đã làm giảm thu nhập trước thuế của nhóm người giàu nhất tại Hoa Kỳ.  Sự thiệt hại về tài sản của nhóm giàu nhất trong nền kinh tế là mạnh mẽ và khó hồi phục so với các nền kinh tế nói chung sau khủng hoảng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) cho thấy xu hướng tương tự: Thu nhập sau thuế của 1% người ở những hộ gia đình có thu nhập cao nhất giảm 27% trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2011, trong khi đó thu nhập của 95% những người ở các hộ gia đình có thu nhập thấp còn lại chỉ giảm 1% đến 2%. 

Người giàu đã trở nên “nghèo hơn” kể từ năm 2007

Kể từ khủng hoảng tài chính và suy thoái bắt đầu, thu nhập của nhóm hộ gia đình giàu nhất đã giảm đi, thậm chí với mức độ lớn hơn so với các hộ gia đình khác. Hình ảnh dưới đây thể hiển mức thu nhập trước thuế của các nhóm trong phân phối thu nhập kể từ 2007. 

Lưu ý: Top 0.01 là nhóm 0.01% những người giàu nhất. Top 1 là nhóm 1% những người giàu nhất. Top 10 là nhóm 10% những người giàu nhất. Top 90 là nhóm 90% còn lại trong phân phối thu nhập của xã hội. Thu nhập bao gồm cả lợi tức đầu tư và được hiệu chỉnh lạm phát.

Nguồn: Phân tích theo dữ liệu của Emmanuel Saez (Theo New York Times).

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các chính sách thuế và hỗ trợ thu nhập của nhà nước đã có hiệu quả trong việc làm giảm bất bình đẳng thu nhập thị trường đáng kể trong các năm. Ví dụ vào năm 2011, hệ số Gini đối với thu nhập sau thuế thấp hơn hệ số Gini đối với thu nhập thị trường khoảng 26%, trong đó hai phần ba sự suy giảm này đến từ các hoạt động chuyển giao đến các hộ nghèo và một phần ba là do thuế. Ngoài ra, phát hiện quan trọng khác là các sáng kiến về mặt chính sách và các công cụ bình ổn dựa trên cơ chế thị trường được xem là có hiệu quả trong việc làm giảm hệ số bất bình đẳng Gini đối với thu nhập trước và sau thuế. 

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO): Hệ số Gini giai đoạn 1979-2011 

Lưu ý: Thu nhập được đo lường theo 3 loại: Thu nhập thị trường (Market Income), thu nhập trước thuế (Before-Tax Income), và thu nhập sau thuế (After-Tax Income). 

*Diễn giải thêm về hệ số Gini: Hệ số Gini thường được sử dụng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Số 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập), số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập).

Hệ số Gini cũng được dùng để biểu thị mức độ chênh lệch về giàu nghèo. Khi sử dụng hệ số Gini trong trường hợp này, điều kiện yêu cầu phải thỏa mãn không tồn tại cá nhân nào có thu nhập ròng âm. Hệ số Gini còn được sử dụng để đo lường sự sai biệt của hệ thống xếp loại trong lĩnh vực quản lý rủi ro tín dụng. Tuy hệ số Gini đã lượng hóa được mức độ bất bình đẳng về sự phân phối thu nhập, nhưng các nhà kinh tế nhận thấy, hệ số Gini mới chỉ phản ánh được mặt tổng quát nhất của sự phân phối thu nhập, trong một số trường hợp, chưa đánh giá được các vấn đề cụ thể.

Khủng hoảng kinh tế thường được nhắc đến với các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Tuy nhiên với những khám phá quan trọng về vai trò làm giảm bất bình đẳng thu nhập, các cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ được đánh giá lại với nhiều chiều hướng và nhiều thông tin hơn. Hơn thế nữa với những khám phá hơn, niềm tin vào các chính sách công của chính phủ nhằm làm giảm bất bình đẳng trong xã hội càng thêm được củng cố.


Stephen J. Rose là giáo sư nghiên cứu tại Viện George Washington về Chính sách công và là người viết chú thích cho Republic 3.0 . Ông là giáo sư nghiên cứu và là  giáo sư kinh tế cấp cao tại Trung tâm Đại học Georgetown về Giáo dục và lực lượng lao động, nơi ông nghiên cứu sự tương tác giữa giáo dục chính quy, đào tạo, chuyển động nghề nghiệp và thu nhập. 

Stephen J. Rose là tác giả của Social Stratification in the United States: The American Profile Poster Rose xuất bản lần đầu tiên năm 1978, và hiện đang được tái bản lần thứ 7.  Trước đây, ông là thành viên cao cấp của Viện Khảo thí Giáo dục, Bộ Lao động Hoa Kỳ, Ủy ban Liên Kinh tế, Ủy ban Quốc gia về chính sách việc làm, và Thượng Viện Tiểu Bang Washington. Các bài bình luận của ông được đăng tải tại: New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, và các phương tiện truyền thông in ấn và truyền hình khác. 

>> Adam Smith sẽ nói gì về khủng hoảng kinh tế?

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM