Luyện thi đại học tại Hàn Quốc: Đáng sợ hơn Việt Nam nhiều!
Sau khoảng 5 giờ học thêm, từ những môn như Tiếng Anh, Toán hay khoa học, sau một ngày dài ở trường, các em học sinh về nhà và tiếp tục “cày” đến quá nửa đêm.
Trước 10 giờ tối mỗi ngày, hàng dài những chiếc BMW và xe buýt trường đỗ dọc trên phố Daechi-dong, một khu phố nhỏ thuộc quận Gangnam giàu có tại Seoul. Ngay một lúc sau, lũ lượt những em học sinh trung học tràn ra từ những Hagwon, hay những trung tâm luyện thi tư nhân.
Khoảng 1.000 lớp học buổi tối tập trung tại đây, bao gồm cả những trung tâm uy tín nhất thành phố. Sau khoảng 5 giờ học thêm, từ những môn như Tiếng Anh, Toán hay khoa học, sau một ngày dài ở trường, các em học sinh về nhà và tiếp tục “cày” đến quá nửa đêm.
Đó vốn là thách thức từ lâu của nền giáo dục Hàn Quốc. Từ ngày còn nhỏ tuổi, các em học sinh (và cả cha mẹ chúng) phải “gắn bó” với kỳ thi Đại học dài 8 tiếng theo hình thức trắc nghiệm, nơi mà có tới 3/4 lượng thí sinh sẽ trượt.
Và bởi sự cạnh tranh khốc liệt đến vậy, năm ngoái cha mẹ các em dành ra hơn 18 nghìn tỷ won cho các lớp học thêm (tương đương 15 tỷ USD), hay nhiều hơn 1/10 chi tiêu hộ gia đình chỉ nhằm tăng cơ hội cho con cái họ vào được những trường Đại học tốt nhất.
Điều này cũng dẫn tới cuộc chiến “không khoan nhượng” trong những trung tâm luyện thi. Các Hagwon đặt ra bài thi tuyển sinh đầu vào và nhất quyết không nhận những học sinh điểm thấp. Một số còn từ chối những ứng viên cố gắng xin học nhiều lần. Do đó một mô hình mới của các trung tâm luyện thi nổi lên, nơi chủ yếu sinh viên được huấn luyện để đỗ vào các trung tâm Hagwon lừng lẫy hơn. Đó là những “Sekki Hagwon”.
Họ không cần quảng cáo, cũng không cần phải tuyết phục cha mẹ gửi gắm con cái cho trung tâm. Và đôi khi học tại một “Sekki Hagwon” còn có chút gì đó xấu hổ. Ngay cả khi một học sinh được nhận vào Hagwon như một học sinh ưu tú, thì những lớp Sekki vẫn tỏ ra hữu dụng.
Các trung tâm luyện thi trường sử dụng sách giáo khoa trước chương trình học trên lớp hàng ngày. Vì thế nhiều học sinh đến các trung tâm sekki hai buổi mỗi tuần để theo kịp lớp tại trung tâm chính (nơi họ được giữ lại nhờ năng lực và bị kiểm tra thường xuyên).
Năm ngoái, có hơn 3.000 Hagwon mới mở, gia nhập vào “đội quân” 30.000 trung tâm hiện có. Nhưng Hagwon sekki thì rất hiếm ngoài khu Daechi-dong. Phần lớn sinh viên sẽ tham gia các Hagwon kém hơn và các lớp học giá rẻ sau giờ học ở tường. Tuy nhiên, có vẻ như xu hướng thành lập các Sekki đang ngày càng lan rộng.
Chính phủ cũng đã cố gắng tạo ra một “sân chơi giáo dục” bình đẳng bằng cách cấm các Hagwon hoạt động sau 10 giờ, và yêu cầu họ phải báo cáo học phí. Năm ngoái, Hagwon đã bị cấm quảng cáo những điều họ có thể dạy trước chương trình trên trường.
Tuy nhiên, việc thực thi hiện tại vẫn rất lỏng lẻo. Đến nỗi học sinh chủ yếu làm bài tập về nhà của trung tâm thay vì là trên lớp.