Lập văn phòng đáp ứng khẩn cấp chống đại dịch Ebola

16/08/2014 13:06 PM |

Với sự hỗ trợ của WHO và CDC Hoa Kỳ, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) nhằm sẵn sàng ứng phó với đại dịch Ebola đang đe dọa toàn thế giới.

Tiếp sau việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi, với sự hỗ trợ của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và WHO, Bộ Y tế Việt Nam đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này. 

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, CDC Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để tăng cường năng lực cho Văn phòng EOC nhằm chuẩn bị tốt hơn cho những trường hợp y tế khẩn cấp và phòng tránh dịch bệnh lây lan tại Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới.

Nằm trong  chương trình An ninh Y tế Toàn cầu được khởi xướng vào tháng 2/2014 và trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam, CDC Hoa Kỳ đã cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ các cán bộ lãnh đạo trong chính phủ cũng như cán bộ ngành y tế có khả năng ứng phó tốt hơn với dịch bệnh bùng phát, bao gồm việc nâng cấp các trang thiết bị phòng thí nghiệm và hệ thống thông tin để phát hiện dịch bệnh nhanh hơn.

TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đồng thời là lãnh đạo Văn phòng EOC tại Việt Nam, cho biết, với sự hỗ trợ từ Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu của CDC cũng như từ WHO và các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam đã tăng cường năng lực của Văn phòng EOC, nâng cao khả năng phát hiện và đối phó với các loại dịch bệnh, như đại dịch Ebola hiện nay.

Qua đó, cùng nhau hợp tác, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Việt Nam và thế giới tránh khỏi sự bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này. 

Được biết, năm 2013, Việt Nam đã tham gia vào dự án thử nghiệm kéo dài 06 tháng về An ninh Y tế toàn cầu cùng với CDC Hoa Kỳ, WHO, Cơ quan Giảm thiểu thảm họa thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm nâng cao năng lực phòng tránh, phát hiện và ứng phó với các dịch bệnh bùng phát.

Hồi đầu tuần qua, các bộ, ngành có liên quan như Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tổng cục Du lịch... cũng đã có hàng loạt chỉ đạo khẩn về việc ban hành các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch Ebola vào Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ kiểm tra chặt các cửa khẩu - sân bay để tránh dịch Ebola, tất cả cửa khẩu quốc tế sẽ tiến hành áp dụng Tờ khai y tế đối với toàn bộ hành khách qua lại bắt đầu từ 15/8 để phòng tránh dịch bệnh Ebola lây lan sang Việt Nam.

Đối tượng phải thực hiện khai báo y tế gồm những hành khách đến từ vùng dịch hiện là 4 nước Tây Phi là Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria trong vòng 21 ngày.

Khi làm thủ tục nhập cảnh, nếu phát hiện hành khách tới từ các quốc gia vùng dịch (chưa qua 21 ngày), cán bộ làm thủ tục xuất nhập cảnh chỉ dẫn hành khách tới bộ phận thực hiện kiểm dịch y tế để khai tờ khai y tế.

Theo thông báo từ WHO, dịch bệnh Ebola từ tháng 12/2013 đến ngày 1/8/2014 đã ghi nhận 1.603 người mắc, trong đó có 887 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây  Phi là Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria.

WHO nhận định đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua của căn bệnh này, dịch bệnh diễn ra tại khu vực có dân di biến động qua biên giới, có khả năng lây truyền qua đường hàng không, nguy cơ dịch bệnh lan truyền sang các nước là rất lớn, trong đó có Việt Nam.

Thậm chí, các hãng truyền thông thế giới còn ghi nhận răng, nhiều quy trình chuẩn đã được đặt ra nhằm khoanh vùng dịch, cách ly bệnh nhân... dường như vẫn "bất khả thi" tại 4 quốc gia Tây Phi.

Theo đó, số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại 4 nước vùng tâm bão dịch Ebola này, đã có hơn 2.000 ca bệnh với hơn một nửa số người nhiễm bệnh đó đã tử vong.


Theo Vũ Minh

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM