Lao động từ sớm khiến kết quả học tập của trẻ em Việt Nam giảm sút
Theo các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và kinh tế học thì lao động ở giai đoạn vị thành niên có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ em như sức khoẻ, và giáo dục.
Nội dung nổi bật:
- Tỷ lệ lao động trẻ em ở nhóm hộ giàu nhất là 2,3% trong khi ở nhóm hộ nghèo nhất là 17,6%
- Theo các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và kinh tế học thì lao động ở giai đoạn vị thành niên có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ em như sức khoẻ, và giáo dục. Trong đó các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tác động của lao động trẻ em đến thành tích học tập và trình độ học vấn của trẻ em.
Việt Nam được xem là quốc gia có tỷ lệ lao động trẻ em cao ở các nước đang phát triển. Đó cũng là một trong những đặc tính khó có thể tránh khỏi đối các nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân như Việt Nam. Lao động trẻ em được xem là kết quả từ nhiều nguyên nhân và có tác động đến con trẻ, đặc biệt là thành tích học tập và trình độ giáo dục.
Hiện trạng và nguyên nhân
Khi mức thu nhập còn ở mức thấp, các áp lực về vật chất cho cuộc sống còn lớn thì việc các gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi có đến gần 70% dân cư đang sinh sống, buộc phải cho con trẻ tham gia vào các hoạt động kinh tế để tạo ra thu nhập góp phần duy trì cuộc sống của chính các trẻ em và gia đình là một thực tế. Một nguyên nhân tỷ lệ lao động trẻ em thường tập trung cao vào nhóm gia đình mà trình độ học vấn của người mẹ thấp.
Theo Báo cáo của Điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và Phụ nữ do Tổng cục Thống kê (GSO) thực hiện vào năm 2011, hiện trạng lao động trẻ em trong nhóm học sinh có mẹ có trình độ học vấn cao chỉ chiếm 2,8% trong khi nhóm có mẹ không có bằng cấp là 23,7%.
Một khác biệt giữa tỷ lệ lao động trẻ em giữa nhóm gia đình có thu nhập cao và gia đình có thu nhập thấp cũng được báo cáo của ILO tìm thấy. Cụ thể, tỷ lệ lao động trẻ em ở nhóm hộ giàu nhất là 2,3% trong khi ở nhóm hộ nghèo nhất là 17,6%.
Tỷ lệ lao động trẻ em ở các vùng miền cũng khác nhau rõ rệt. Khả năng một trẻ em đang đi học trở thành lao động trẻ em cao gấp 3 lần trong các hộ có chủ hộ là người dân tộc thiểu số. Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trẻ em đang đi học tham gia lao động thấp nhất trong 6 vùng, lần lượt là 4,6% và 4,3%, so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ là 14,9%. Như vậy yếu tố vùng miền có ảnh hưởng đến lao động trẻ em ở Việt Nam.
Tác động của lao động trẻ em đến thành tích học tập
Việc tồn tại tỷ lệ trẻ em tham gia lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam là một thực tế khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên các tác động dưới góc độ kinh tế - xã hội của hiện trạng này cần được đánh giá đầy đủ để có những gợi ý chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ việc phát triển toàn diện cho trẻ em, một lực lượng lao động của thế hệ tương lai cho đất nước.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và kinh tế học thì lao động ở giai đoạn vị thành niên có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ em như sức khoẻ, và giáo dục. Trong đó các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tác động của lao động trẻ em đến thành tích học tập và trình độ học vấn của trẻ em.
Nghiên cứu vừa mới xuất bản của Huong Thu Le và Ross Homel trên Tạp chí Kinh tế học Châu Á (Journal of Asian Economics) đã cung cấp các thông tin quan trọng về tác động của lao động trẻ em đến thành tích học tập của trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam, nơi có tỷ lệ lớn lao động trẻ em. Kết quả nghiên cứu của các tác giả cho thấy lao động trẻ em làm giảm thành tích học tập cho con trẻ.
Hình 1: Thành tích học tập và số giờ làm việc của trẻ em Việt Nam
Theo minh hoạ từ Hình 1, khi số giờ làm tăng lên thì nhìn chung thành tích học tập của học sinh sẽ giảm xuống. Cụ thể xác suất học sinh có thành tích giỏi (chấm màu đỏ), và khá (chấm màu vàng) sẽ giảm xuống rõ rệt khi tăng số giờ làm việc của trẻ em.
Cụ thể khi không phải tham gia lao động (số giờ bằng 0 trong một ngày) xác suất để một học sinh đạt thành tích giỏi và khá lần lượt khoảng 0,09 và 0,4. Trong khi nếu một ngày các em phải làm việc đến 12 giờ đồng hồ thì xác suất để đạt học sinh giỏi gần như bằng 0 và xác suất đạt thành tích khá rớt xuống còn khoảng gần 0,1.
Đáng chú ý, khi số giờ lao động tăng lên thì xác suất học lực yếu (màu xanh lục) của học sinh tham gia lao động trẻ em lại tăng lên rõ nét, cụ thể từ khoảng trên 0,02 đến 0,21 khi số giờ làm việc tăng từ 0 đến 12 giờ. Trong khi đó, xác suất để đạt học sinh trung bình không bị tác động nhiều bởi số giờ lao động trẻ em.
Khi chia tách tác động theo giới tính, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các em học sinh nữ chịu nhiều tác động tiêu cực từ lao động trẻ em hơn so với các em học sinh nam.
Hình 2: Thành tích học tập và số giờ làm việc của trẻ em Việt Nam theo giới tính
Hình 2 minh hoạ sự khác biệt trong tác động của số giờ làm việc đến thành tích học tập của học sinh vị thành niên chon nữ sinh và nam sinh. Chúng ta có thể nhận thấy các em nữ sinh chịu tác động tiêu cực nhiều hơn từ lao động trẻ em so với các bạn nam.
Cụ thể khi số giờ làm việc tăng từ 0 đến 12 giờ mỗi ngày, xác suất để một học sinh nữ đạt học sinh giỏi và khá lần lượt giảm từ khoảng 0,1 và 0,47 xuống còn gần bằng 0 và 0,02. Trong khi đó con số đối lao động trẻ em nam, xác suất tương ứng giảm từ 0,05 và 0,32 xuống còn 0,0 và 0,2. Trong khi đó, khi số giờ làm việc tăng từ 0 đến 12 giờ, xác suất để một em học sinh nữ bị học lực yếu tăng từ 0,01 đến 0,51. Xác suất tương ứng cho trẻ em nam là từ 0,02 lên 0,08.
Chính sách phát triển
Các tác giả cũng lý giải rằng việc các trẻ em đi làm nhiều và có thành tích học tập kém cũng là do yếu tố dinh dưỡng tác động. Khi con trẻ phải đi làm nhiều thời gian cũng là một tín hiệu cho thấy gia đình của các em không có đủ chi phí cho dinh dưỡng để các em phát triển, và kết quả là hưởng đến kết quả học tập.
Các tác giả cũng đồng thời đưa ra thêm các gợi ý chính sách như nâng cao vai trò của đầu tư công vào trường học và sự phát triển của cộng đồng như thư viện, hay các hệ thống học tập cần thiết.
Từ kết quả nghiên cứu này, một vấn đề đang đặt ra cho các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là giáo dục và thành tích học tập của các em. “Trẻ em là tương lai của đất nước” là một nhận định đúng vì trẻ em sẽ là những người lao động, nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.
Tuy nhiên sự đóng góp của các em trong tương lai lại phụ thuộc rất nhiều vào sức khoẻ và giáo dục mà các em có được hiện tại. Do vậy chính sách về giáo dục và sức khoẻ cho trẻ em cần được chú trọng vì một tương lai bền vững của dân tộc.
>> Cùng World Bank xem thành phố của bạn giàu thứ mấy trên bản đồ Việt Nam?
Phương Huỳnh