Làng đẻ thuê ở Thái Lan: Một đứa trẻ giá bao nhiêu tiền?
Thu nhập từ nông nghiệp quá thấp trong khi gia đình quá đông người, cuộc sống vô cùng khó khăn đã khiến nhiều phụ nữ Thái Lan phải chấp nhận làm nghề đẻ thuê để kiếm tiền.
Huyện Lom Sak tỉnh Phetchabun – Thái Lan nổi tiếng với sản phẩm me ngọt. Thế nhưng những năm gần đây, người Thái Lan nhắc nhiều đến Lom Sak bởi một thứ “đặc sản” khác. Thứ đặc sản mà khi nói đến, ai cũng cảm thấy đắng trong miệng, đó chính là trẻ em.
Ngôi làng Lom Sak nhìn cũng giống như bất kỳ ngôi làng nào khác tại Thái Lan. Ngoài những căn nhà lá thấp thấp là nhiều hàng cây me san sát và… số lượng phụ nữ mang bầu cao đáng ngạc nhiên, điều mà người ta ít thấy ở nơi khác.
Lom Sak nay được biết đến với cái tên làng đẻ thuê – nơi mà phụ nữ đã tìm được cách kiếm tiền từ chính thân xác của họ, nhưng không phải bán dâm mà là đẻ theo hợp đồng.
Người nông dân làng Lom Sak vẫn tiếp tục trồng me ngọt, thế nhưng chắc chắn trồng me không thể mang lại nguồn lợi cao như đẻ con bán lấy tiền.
Theo một quan chức địa phương, hiện có đến 25 phụ nữ đang mang bầu theo hợp đồng. Họ được đưa lên Bangkok để cấy tinh trùng sau đó trở về Lom Sak dưỡng thai rồi lại quay lại Bangkok để sinh và giao con. Trước đây, hoạt động mang thai và đẻ con hộ diễn ra phổ biến hơn nhưng nay nó đã có phần thu vào bóng tối bởi sự truy quét gắt gao của chính quyền.
Hoạt động đẻ thuê đã bị chính quyền để ý và trừng phạt sau khi một cặp vợ chồng người Úc đã thuê một người phụ nữ Thái Lan đẻ thuê, thế nhưng sau đó đứa trẻ sinh ra bị mắc bệnh Down và cặp vợ chồng kia đã từ chối nhận con cũng như trả tiền.
Giới chức Thái Lan hiện rất hoài nghi về sự liên hệ giữa những ca mang thai thuê và tình trạng buôn người. Họ lo sợ có những đứa trẻ đã bị bán trong một đường xây xuyên quốc gia. Giờ đây nhiều bà mẹ tại làng Pak Chong đã nhận thực được hậu quả từ hành vi kiếm tiền của họ, trước đây họ chỉ biết kiếm tiền.
Một số người đã bắt đầu từ chối lời đề nghị nhờ đẻ thuê. Một người phụ nữ có tên Ban Huai Chan Moo cho biết cháu gái bà đã chuẩn bị nhận lời mang thai hộ thì được biết về khả năng cảnh sát sẽ bắt giam những phụ nữ tham gia buôn người, quá sợ hãi nên dù đã đi khám sức khỏe và nhận tiền lần đầu nhưng cháu bà đã trả lại tiền và từ chối mang thai.
Một đứa trẻ giá bao nhiêu?
Kết quả các cuộc điều tra còn cho thấy Mitsutoki Shigeta, một người đàn ông Nhật đã có con với khoảng 15 phụ nữ Thái Lan. Cảnh sát đồng thời còn bắt giữ bác sỹ người Thái đã sắp xếp cho các ca thụ tinh trên.
Lý do tại sao người đàn ông Nhật này có nhiều con đến như vậy cho đến giờ vẫn là một ẩn số không có lời giải. Anh ta đã bỏ trốn sang Macao cùng với ít nhất 3 đứa trẻ là con mình. Tiền không phải là động cơ khiến anh ta làm như vậy bởi theo rất nhiều nguồn tin thì người đàn ông đó là con của một trong những tỷ phú giàu nhất Nhật bản.
Trong cư xử hàng ngày với những người xung quanh, anh ta không hề có dấu hiệu bất thường về tâm lý, người ta thường kể về anh với ba từ “nhẹ nhàng”, “nhã nhặn”, và “lịch sự”.
Một bà mẹ từng mang thai hộ cho người đàn ông Nhật này cho biết cô đã được trả 19 nghìn bath/tháng trong suốt 9 tháng mang thai và khi sinh con, cô được ở với con thêm 4 ngày, nhận số tiền 300 nghìn bath (tức khoảng gần 200 triệu đồng Việt Nam) rồi từ đó đến nay cô chưa bao giờ nhìn thấy đứa trẻ thêm một lần nào nữa.
Một người mẹ 26 tuổi khác cũng kể lại trường hợp của mình. Cô đồng ý mang thai với giá 19 nghìn bath/tháng và khi sinh con được nhân 350 nghìn batth. Tuy nhiên cô cũng chẳng có cơ hội để xài số tiền đó bởi cô phải dành nó để nuôi gia đình có đến 10 thành viên của mình.
Tất nhiên gia đình cô chẳng ai muốn cô đẻ rồi bán con đi như vậy nhưng vì căn nhà đã quá dột nát đến mức gần như không thể ở được nữa, họ cần tiền sửa nhà và trả một phần số nợ đã vay từ trước đó.
Ông Nom Mueangming, trưởng làng Ban Pak-ok Moo 9 nơi cũng có một số phụ nữ đẻ thuê nhấn mạnh hoạt động này bùng phát bởi cho đến nay luật lệ chưa rõ ràng, nhiều người vẫn còn vật lộn với đói nghèo.
Nếu muốn chấm dứt tình trạng này, chỉ có cách chính phủ phải đưa ra những biện pháp giải quyết được gốc rễ của tình trạng đói nghèo. Nếu không kể cả nếu có bị bắt giam, rồi sau đó được thả ra và cuộc sống quá khó khăn, nhiều người hẳn sẽ lại quay lại nghề đẻ thuê.