Kỷ nguyên "tiền rẻ" đã qua?

25/12/2015 08:17 AM |

Quyết định nâng lãi suất cho vay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên sau 7 năm không chứng tỏ "kỷ nguyên tiền rẻ” đã qua.

Cuối cùng, FED quyết định nâng lãi suất cho vay lên 0,25 - 0,5%, chấm dứt 7 năm giữ lãi suất ở mức gần 0%. Các nhà hoạch định chính sách châu Á hoan nghênh quyết định của FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vì coi đây như một dấu hiệu chứng thực cho tăng trưởng kinh tế tại Mỹ.

Tuy nhiên, cũng có một số thị trường mới nổi có vẻ thận trọng về luồng vốn đầu tư sẽ biến động sau quyết định của FED. Tiền tệ của khu vực có thể tiếp tục giảm giá so với đồng đô la Mỹ và luồng vốn đầu tư có thể chảy ra khỏi các nước đang phát triển, mặc dù không phải "lớn đáng kể” như trong quá khứ.

Theo các nhà phân tích của Bloomberg, Philippines, Indonesia và Đài Loan sẽ là những nước châu Á đầu tiên phản ứng với động thái của FED. Giới phân tích cho rằng vì chi phí đi vay tăng lên sau khi FED nâng lãi suất, châu Á có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tín dụng trong tương lai. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tính đến cuối quý II, lượng tín dụng bằng USD cấp cho các tổ chức phi ngân hàng ở bên ngoài nước Mỹ đã lên tới 9.800 tỷ USD, trong đó các thị trường mới nổi đã chiếm tới 3.300 tỷ USD. Ở một vài thị trường mới nổi lớn, số nợ bằng USD cấp cho người đi vay không phải là ngân hàng đã tăng gấp đôi so với quý I/2009. Thời gian vừa qua, USD đã tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền mới nổi.

Mặc dù vậy, thị trường châu Á cổ vũ quyết định của FED khi thị trường chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc đều tăng điểm. Phản ứng trên thị trường tài chính phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư về một nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để tăng lãi suất, thậm chí trong bối cảnh lạm phát mờ nhạt.

Chủ tịch FED Yellen nhiều lần nhấn mạnh sự tự tin của nền kinh tế Mỹ và trấn an lo ngại quyết định này gây ra sự suy yếu của các nền kinh tế khác. FED đã nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ tăng khi hai điều kiện được đáp ứng: cải thiện thị trường lao động, và niềm tin lạm phát sẽ quay trở lại. Cả hai rào cản hiện nay đã được giải phóng: thất nghiệp ở mức thấp là 5% và lạm phát dường như đang tăng lên từ mức thấp hiện tại, sẽ đạt 1,9% trong năm 2017 và 2% trong năm 2018.

"Đây là một quyết định hợp lý, phù hợp với một nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói. Bộ trưởng Kinh tế Ấn độ Shaktikanta Das cho biết, nước này chuẩn bị tốt trước quyết định của FED và sự tự tin về sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ là một tin tốt cho xuất khẩu của Ấn Độ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Joo Hyung Hwan cho biết sẽ theo dõi sát thị trường tài chính và nhanh chóng phản ứng để thực hiện các bước cần thiết nhưng mức lãi suất mới của FED sẽ không ảnh hưởng đến kinh tế nước này.

Ngay cả sau khi FED nâng khoảng mục tiêu cho lãi suất liên bang lên 0,25% - 0,5%, thì con số này vẫn thấp hơn mức bình quân 2% của giai đoạn kể từ năm 2000 đến nay và mức 3,2% của giai đoạn 2000 - 2007. Điều đó đồng nghĩa với việc cho đến cuối năm 2016 mức lãi suất trung bình của 8 quốc gia phát triển và khu vực đồng euro mà Ngân hàng JPMorgan theo dõi vẫn chỉ ở mức 0,36%, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với mức lãi suất bình quân giai đoạn 2005 - 2007.

Thậm chí theo tính toán của JPMorgan, nếu từ nay trở đi trung bình FED nâng lãi suất tham chiếu lên 1,5% mỗi năm, lãi suất cho các nền kinh tế công nghiệp trọng điểm sẽ vẫn dưới chuẩn 1% do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không nâng lãi suất.

Lãi suất thấp vẫn là xu hướng nổi bật của nền kinh tế thế giới ngay cả khi có sự tác động của FED. Bởi vì, với lạm phát thấp và tốc độ phát triển mờ nhạt, kinh tế toàn cầu vẫn sẽ cần đến chính sách tiền tệ nới lỏng. Theo JPMorgan, thậm chí trong 12 tháng tới sẽ có nhiều ngân hàng cắt giảm lãi suất bao gồm Trung Quốc, Thụy Điển, New Zealand và Malaysia.

Số các nền kinh tế mới nổi neo đồng tiền vào đồng USD đang giảm xuống, đồng nghĩa với việc nhiều nước sẽ không cần phải tăng lãi suất theo FED. Đó là cơ sở mà cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summmers đặt cược 50/50 vào một sự suy thoái sẽ diễn ra trong hai năm tới. "Chúng ta sẽ không nói lời vĩnh biệt với mức lãi suất dưới 0", ông Summers cho hay.

Theo LAM HỒNG

Cùng chuyên mục
XEM