Kinh doanh rau organic: Đường đến đích còn xa
Đón đầu xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch, an toàn, nhiều công ty đã trồng rau hữu cơ (organic). Tuy nhiên, từ thực tế của những người trong cuộc cho thấy đường đến đích còn xa.
Sau khi có thương hiệu sữa TH True Milk, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH lại ấp ủ mô hình sản xuất rau tươi an toàn theo công nghệ organic. Tuy nhiên, dù có tâm huyết và nỗ lực nhưng TH true VEG vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo chia sẻ của bà Thái Hương, cái khó của kinh doanh rau organic là quy trình và kỹ thuật trồng rất nghiêm ngặt.
Trong đó, hệ thống trang trại nhà kính, cánh đồng mở quy mô công nghiệp phải nằm trong những vùng quy hoạch sản xuất biệt lập; đất trồng phải giàu dinh dưỡng và chất khoáng phù hợp trồng rau chất lượng cao.
Nguồn nước tưới là nước ngầm độ sâu từ trên 40m, phải được kiểm nghiệm về độ sạch và an toàn.
Quy trình sản xuất, chăm sóc và quản lý phải tuân thủ theo hướng canh tác hữu cơ "5 không": Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen.
Với thực tế như vậy nên giá thành rau organic cao hơn nhiều so với rau sạch bình thường nên đầu ra vẫn còn gian nan.
Cũng theo bà Thái Hương, sau khi rau hữu cơ của TH bán ở cửa hàng hai tháng thì phải thông báo tạm dừng cung cấp vì không đủ hàng bán, phải chuẩn bị gieo trồng cho vụ đông mới có rau bán lại.
Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng công ty chưa đầu tư bài bản. Đó là khó khăn chung của các đơn vị kinh doanh rau hữu cơ.
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Mùa, cho biết, công ty đã đầu tư trang trại 1,8ha ở Long Thành, Đồng Nai, vườn trồng rau ôn đới 1.200 m2 tại Xuân Thành, Đà Lạt và hai cửa hàng organica tại TP.HCM. Thế nhưng, công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, ngoài việc các sản phẩm phải canh tác theo quy chuẩn hữu cơ thì còn phải dựa nhiều vào tự nhiên, nên sẽ có những sản phẩm theo mùa, lúc có, lúc không.
Nếu mở rộng được mô hình liên kết với nông dân và trang trại khác thì có thể sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách.
Nhưng để các đơn vị liên kết đáp ứng được tiêu chuẩn hữu cơ và có chứng nhận organic là điều không đơn giản.
"Điều kiện đáp ứng các tiêu chí hữu cơ quốc tế ngoài hạt giống, canh tác theo quy trình hữu cơ còn có các điều kiện như đất, nước, môi trường mà nếu chưa đạt sẽ mất rất nhiều thời gian xử lý, cải tạo", bà Phương Thảo cho biết.
Khó khăn khác, theo bà Phương Thảo là hiện ở Việt Nam chưa có cơ quan nào hướng dẫn và chứng nhận hữu cơ cho nông dân. Với rau củ quả, để có được chứng nhận từ các tổ chức uy tín trên thế giới phải tốn khá nhiều chi phí và mất ít nhất khoảng hai năm.
Thực tế để đạt chứng chỉ organic, công ty đã phải đem mẫu đất và mẫu rau sang kiểm nghiệm ở các nước châu Âu, mỗi mẫu mất khoảng 400 USD.
"Nhưng khó khăn nhất khi làm thực phẩm hữu cơ chính là hợp tác với nông dân. Nhiều nông dân ban đầu cũng không hiểu tại sao lại phải nghiền ớt, nghiền tỏi, lên men trái và lá xoan để phòng tránh sâu bệnh khi mà chỉ cần ra hiệu thuốc mua một hũ về xịt, hiệu quả nhanh.
Nông dân cũng thấy phiền phức khi phải dùng đậu nành, cá khô... để làm phân bón trong khi trên thị trường có hàng trăm nhãn hiệu phân bón khác nhau. Họ càng không hiểu tại sao mỗi khi rau mắc bệnh, công ty phải cắt cả vườn rau đem đi chôn chứ nhất quyết không phun thuốc hóa học", bà Thảo chia sẻ.
Làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, để đưa ra thị trường, làm cho khách hàng tin và chấp nhận còn khó hơn. Bà Phương Thảo cho biết từng gặp những khách hàng tuyên bố: "Tôi đến đây mua hàng vì niềm tin, chỉ cần nghe báo chí đưa thông tin xấu là tôi sẽ kiện".
Ông Phạm Ngọc Quang Trung, từng là chủ của Alo Rau sạch nhưng sau 3 năm theo đuổi dự án đã phải "từ giã cuộc chơi". Ông Quang Trung, chia sẻ: "Kinh doanh rau sạch hữu cơ khó và chi phí đầu tư trang trại rất lớn, đơn cử chỉ một sào nhà lưới đã tốn khoảng 60 triệu đồng hay trang bị một tủ làm mát cũng gần 5.000 USD".
Nhưng, "đã kinh doanh rau sạch thì tất cả phải sạch, kể cả nhân viên. Bởi khách hàng của rau sạch là những người rất tinh tế, chỉ cần vướng một cọng tóc hay tạp chất vào gói rau là khách mắng vốn, trả lại hàng. Và thực tế nguyên nhân thất bại của tôi cũng vì... nhân viên.
Đơn cử, khi hàng từ trang trại về cửa hàng, nhân viên phải biết chọn lựa cái nào dùng, cái nào xấu sẽ không dùng nhưng do không ý thức và qua loa trong phục vụ, khi có đơn hàng không chịu lấy hàng mới nên khách không hài lòng và không tin vào rau sạch nên tôi phải đóng cửa", ông Quang Trung cho biết.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đồng tình cho rằng, kinh doanh rau sạch đã khó, để duy trì chuỗi cung ứng sạch cũng đầy rủi ro. Chỉ cần một nhân viên sơ suất trong phục vụ hay bảo quản không tốt là ảnh hưởng ngay đến uy tín thương hiệu.
Không những thế, việc bảo quản, trưng bày rau sạch cũng đòi hỏi quy chuẩn khác biệt so với cửa hàng rau bình thường nên việc đầu tư và quản lý cũng cao hơn và đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn", vị chuyên gia này chia sẻ.