Khủng hoảng 1907: Loại tiền thay thế tiền mặt (Kỳ 3)

18/04/2014 10:39 AM |

Khi tình trạng khan hiếm tiền mặt xảy ra, các giải pháp thay thế tiền mặt bắt đầu nở rộ, bao gồm séc và các giấy nhận nợ được phát hành bởi ngân hàng.

Xem các kỳ trước:


Khủng hoảng năm 1792 - Gói cứu trợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ



Các cuộc khủng hoảng sẽ khiến thị trường tài chính chao đảo. Đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của khủng hoảng ít được bàn luận đến: chính khủng hoảng góp phần định hình thị trường tài chính. 5 cuộc khủng hoảng trong quá khứ sẽ cho chúng ta thấy những khía cạnh của hệ thống tài chính ngày nay bắt nguồn từ đâu. Các nhà quản lý cũng có thể học được nhiều bài học từ các sự kiện này.

Đây chính là nội dung của chùm bài viết được đăng tải trên tờ The Economist mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc.

Đầu thế kỷ 20, Anh và Mỹ có cách tiếp cận với khu vực ngân hàng rất khác nhau. NHTW Anh là cơ quan đầy quyền lực và là cơ quan giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, NHTW Mỹ ở một thái cực hoàn toàn khác. Ngân hàng BUS của Hamilton đã đóng cửa năm 1811 và thể chế thay thế sau đó cũng đóng cửa vào năm 1836. Một hệ thống không tập trung và có quy mô nhỏ hơn dần định hình và phát triển. Người Mỹ cho rằng các ngân hàng có thể tự quản lý bản thân. Tuy nhiên, quan điểm này chấm dứt khi khủng hoảng 1907 nổ ra.

Sự thiếu vắng một ngân hàng đóng vai trò là người cho vay cuối cùng chắc hẳn đã không hạn chế các ngân hàng mở rộng phạm vi hoạt động. Đến năm 1907, Mỹ có 22.000 ngân hàng, tức là cứ 4.000 dân sẽ có 1 ngân hàng. Ở hầu hết các thị trấn, người ta có thể lựa chọn giữa các ngân hàng địa phương hoặc và ngân hàng được quản lý bởi nhà nước. 

Mặc dù đứng trước nhiều lựa chọn, các nhà đầu tư thành thị thường có xu hướng chọn các công ty tín thác. Loại hình này xuất hiện vào đầu những năm 1890, lấy tiền gửi của khách hàng đi đầu tư cổ phiếu và trái phiếu. Đến năm 1907, chúng còn thực hiện những hoạt động rủi ro hơn: bảo lãnh và phân phối cổ phần, sở hữu và điều hành các dự án bất động sản và đường sắt. Nói một cách ngắn gọn, các công ty tín thác đã trở thành ngân hàng.

Khủng hoảng 1907: Loại tiền thay thế tiền mặt (1)

Các quỹ tín thác bùng nổ mạnh mẽ. So với ngân hàng truyền thống, chúng đầu tư vào các tài sản hấp dẫn hơn và cũng bị quản lý theo cách lỏng lẻo hơn. Trong khi các ngân hàng phải có 25% tài sản là tiền mặt (phòng trường hợp có người gửi tiền có nhu cầu rút tiền bất thường), tỷ lệ đối với quỹ tín thác chỉ là 5%. Vì có thể trả lãi suất cao hơn, chúng thu hút được lượng tiền lớn. Đến năm 1907, bộ phận này đã tăng trưởng 250% chỉ trong 10 năm.

Từ năm 1896 đến 1906, Mỹ có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt gần 5%. Đây là điều phi thường khi những thảm họa như đám cháy Baltimore (năm 1904) và trận động đất ở San Francisco năm 1906 đã lấy đi khoảng 2% GDP.

Khủng hoảng 1907: Loại tiền thay thế tiền mặt (2)

Bạn sẽ cho rằng người Mỹ rất biết ơn vì mọi thứ vẫn đúng quỹ đạo. Tuy nhiên, có hai kẻ tham lam là Augustus Heinze và Charles Morse muốn nhiều hơn nữa. Như bài báo được xuất bản năm 1990 với tác giả là Ellis Tallman và Jon Moen (hai chuyên gia kinh tế của Fed) đã chỉ ra, hai nhân viên ngân hàng này đã vay một lượng tiền lớn và sử dụng chúng để thao túng giá cổ phiếu United Copper.  

Nền kinh tế Mỹ bắt đầu giảm tốc vào năm 1907, khiến giá của một số loại hàng hóa lao dốc, trong đó có kim loại. Cổ phiếu của United Copper giảm mạnh. Khoản lỗ của Heinze và Morse càng bị khuếch đại do tỷ lệ đòn bẩy quá lớn. Để ngăn chặn đà giảm của thị trường, hai người bắt đầu sử dụng đến số vốn của ngân hàng của họ. 

Điều này gây rắc rối cho một nhóm các ngân hàng nhỏ hơn, gây nên lỗ dây chuyền và cuối cùng ảnh hưởng đến cả một công ty tín thác có tên Knickerbocker Trust. Nằm ở góc phố giao giữa phố 34 và đại lộ 5 (Manhattan), tiền gửi tại Knickerbocker Trust đã tăng từ 10 triệu năm 1897 lên hơn 60 triệu năm 1907, biến nó thành quỹ tín thác lớn thứ 3 ở Mỹ.

Sáng 22/10, khi tin tức về chuỗi khủng hoảng mà cặp đôi Heinze-Morse bắt đầu xuất hiện, người gửi tiền đổ xô xếp hàng trước cửa Knickerbocker Trust đòi rút tiền. Trong chưa đầy 1 ngày, công ty này đã phải trả 8 triệu USD và thậm chí phải từ chối một số yêu cầu. Sự hoảng loạn lan đến các công ty tín thác khác. The Trust Company of America là nạn nhân tiếp theo và sau đó là Lincoln Trust. Một số người dân New York chuyển tiền từ công ty này sang công ty khác. Khi hệ thống tài chính rõ ràng không còn an toàn, người Mỹ bắt đầu cất trữ tiền mặt ngay tại nhà.

Khủng hoảng 1907: Loại tiền thay thế tiền mặt (3)

Tưởng chừng như cuộc khủng hoảng sẽ nhấn chìm nước Mỹ, tuy nhiên Mỹ vẫn tăng trưởng 1,9% trong năm 1907. Và, mặc dù những kẻ như Heinze và Morse đã gây nên rắc rối, những ông trùm như John Pierpont Morgan đã xuất hiện. Khi cơn hoảng loạn lan tràn và lãi suất tăng vọt lên 125%, Morgan nhảy vào cuộc, bơm tiền mặt để hạ nhiệt.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ. Người gửi tiền trên khắp nước Mỹ bắt đầu tháo chạy khỏi các ngân hàng. Cảm nhận được viễn cảnh sụp đổ, nhiều ngân hàng tuyên bố kỳ nghỉ khẩn cấp. Những ngân hàng còn mở cửa thì hạn chế rút tiền. Và, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt xét trong tình hình hỗn loạn lúc đó, sự kiện ở New York dẫn đến tình trạng thiếu tiền trên toàn nước Mỹ. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, với sản lượng toàn quốc giảm 11% từ năm 1907 đến 1908.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng có mặt tích cực. Ở gần một nửa các thành phố lớn của Mỹ, các giải pháp thay thế tiền mặt bắt đầu nở rộ, bao gồm séc và các giấy nhận nợ được phát hành bởi ngân hàng. Tổng giá trị của các loại tiền mặt khẩn cấp (thuộc khu vực tư nhân và tất cả đều bất hợp pháp) ở mức khoảng 500 triệu USD – lớn hơn nhiều lần so với gói cứu trợ của Morgan. Đến năm 1909, kinh tế Mỹ lại tiếp tục tăng trưởng.

Những lời đề nghị cải cách sớm nhất được đưa ra một cách tự nhiên từ tình trạng thiếu hụt tiền mặt. Kế hoạch phát hành 500 triệu USD tiền khẩn cấp chính thức nhanh chóng được đưa ra và đem lại hiệu quả lâu dài hơn người ta tưởng.

Nước Mỹ thành lập một hội đồng có tên Ủy ban tiền tệ quốc gia (NMC) có nhiệm vụ thảo luận về cách vận hành của thị trường tiền tệ Mỹ. Sau 4 năm kiểm nghiệm các bằng chứng từ khắp thế giới để tìm ra cách tái định hình thị trường tiền tệ tối ưu nhất, NMC đưa ra kết luận ngân hàng đóng vai trò người cho vay cuối cùng là điều cần thiết. Kết quả là, năm 1913, Fed ra đời. 

Khủng hoảng 1907: Loại tiền thay thế tiền mặt (4)

>> Thế giới của những 'ông trùm cướp bóc'

Theo Thu Hương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM