Không thể không sốt ruột vì tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra quá chậm

29/09/2014 09:11 AM |

Ngày 28/9 tại Ninh Bình, các chuyên gia kinh tế, đại biểu tiếp tục thảo luận sôi nổi. Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ không thể không sốt ruột bởi vì tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra quá chậm.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc Hội cho biết, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nhưng quá mong manh dẫn đến dễ vỡ. Bất cứ một tổn thương nào của kinh tế thế giới cũng dễ dàng tác động vào kinh tế trong nước, khi đó sức đề kháng quá yếu có thể sẽ dẫn đến sụp đổ.

TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định, thời gian qua công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đã được Quốc hội chú trọng, tập trung giải quyết. Tuy nhiên, những kỳ vọng về chuyển biến vẫn rất mơ hồ, các biện pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính tình thế, giải quyết tạm thời. Trong khi đó những vấn đề nền tảng: nợ công, nợ xấu, sắp xếp hệ thống ngân hàng, ngân hàng…vẫn chưa rõ ràng, chưa có kỳ vọng gì.

“Giải quyết nợ công hiện nay chúng ta chỉ mới dừng lại ở mức chặn nợ công, doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn trong việc tiếp cận vốn vì vậy mỗi năm vẫn có vài chục nghìn doanh nghiệp xin chết”, ông Kiêm nói.

Theo ông Kiêm, có 3 lý do khiến việc tái cơ cấu vẫn hời hợt, chỉ giải quyết được phần ngọn còn phần gốc vẫn giữ nguyên:

Một là, vấn đề về định hướng, giải pháp không có đột phá. Trong suốt 3 năm vừa qua các vấn đề đặt ra về tái cơ cấu vẫn triển khai rất chậm, không rõ mục tiêu. Nhiều vấn đề đưa ra, bàn xong, đã quyết nhưng rồi lại không thực hiện được.

Hai là, vấn đề tuyên truyền mang tính hô hào quyết liệt nhưng không thực sự hiệu quả.

Ba là, kỷ cương không rõ ràng, mục tiêu đề ra không rõ ràng. Đã chỉ ra yếu kém, nhận ra sai lầm nhưng không giải quyết được.

Trong diễn đàn, các chuyên gia: Ngô Trí Long, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Hồng Sơn, Lưu Bích Hồ, Nguyễn Anh Tuấn...cũng “chẩn đúng bệnh” của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp những ý kiến quan trọng cho tái cơ cấu kinh tế.

Nhiều luồng ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu kinh tế cần phải có thời gian, lộ trình từng bước không thể sốt ruột được bởi vì nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ cũng phải mất 5-6 năm để thoát khỏi khủng hoảng, Nhật Bản mất 20 năm, Trung Quốc cũng nói mất 6-7 năm. TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, không thể không sốt ruột với tái cơ cấu. Ông kêu gọi các nhà nghiên cứu, chính sách, những người có thẩm quyền hãy sốt ruột hơn với sự trì trệ của tái cơ cấu.

“Ý kiến cho rằng tái cơ cấu cần có thời gian thì chỉ có thể nói cách đây 4 năm thì chấp nhận được, chúng ta không thể dồn công việc cho năm sau, cho những người kế nhiệm”, ông Cung nói.

Ông Cung nhận định, nợ xấu chỉ chiếm 4% thì không phải là vấn đề quá nặng nề trong khi vấn đề cải cách mới là trọng trách. “Hội nhập thế giới tạo muôn vàn cơ hội cho kinh tế Việt Nam, nhưng thử hỏi nếu không cải cách thì làm sao hội nhập. Quá trình hội nhập đang đến rất gần rồi. Đừng để đến khi đi hội nhập rồi mới quay lại bảo rằng chúng ta chưa sẵn sàng”, ông Cung cảnh báo.

Ông Cung khẳng định tái cơ cấu thực chất là một cuộc cải cách lần thứ 2 và phải có yếu tố thị trường, nhà nước buộc phải thay đổi.

Bế mạc Diễn đàn kinh tế Mùa thu 2014, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khẳng định đề án tái cơ cấu kinh tế đã đạt được nhiều thành công chứ không phải giậm chân tại chỗ như nhiều chuyên gia nói. Ông Giàu cho biết, ông đồng ý với ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cùng đó là Việt Nam cần phải sốt ruột hơn với tái cơ cấu kinh tế bởi quá trình hội nhập đang đến rất gần, nếu không tái cơ cấu, hội nhập cũng trở thành vô ích.

“Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nhưng quá mong manh dẫn đến dễ vỡ. Bất cứ một tổn thương nào của kinh tế thế giới cũng dễ dàng tác động vào kinh tế trong nước, khi đó sức đề kháng quá yếu sẽ dẫn đến sụp đổ cả hệ thống”, ông Giàu nhận định.

>> "Nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã để đi lên"

Theo Hướng Dương

Cùng chuyên mục
XEM