Khi Nga “hắt hơi”, nhiều nước Trung Á sẽ “cảm lạnh”
Theo nhà báo Rachel Morarjee của hãng tin Reuters, các quốc gia vệ tinh ở Trung Á còn thiếu hệ miễn dịch đủ khỏe để chống đỡ trước sự suy thoái của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi người hàng xóm “khổng lồ” là nước Nga.
Tajikistan đã nộp đơn xin trợ giúp từ Qũy Tiền tệ quốc tế. Các quốc gia khác nằm trong “quỹ đạo” kinh tế của Nga có thể cũng cần những sự hỗ trợ tương tự.
Quốc gia có 8,5 triệu người này đã có các cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế về gói trợ giúp kể từ đầu tháng 2/2016. Tajikistan là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự tụt dốc của nền kinh tế Nga thời gian gần đây.
Giá dầu giảm cùng những cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây đã khiến nguồn tiền từ những công dân làm việc tại Nga gửi về quê hương bị giảm đi đáng kể. Nguồn tiền này được xem là “huyết mạch” đối với nền kinh tế Tajikistan.
Theo IMF, tiền công của các lao động nhập cư, những người làm các công việc như quét dọn đường phố hay làm tại các công trường xây dựng trên khắp nước Nga chiếm tới 45% kinh tế Tajikistan năm 2014.
Tuy nhiên, nguồn đóng góp to lớn này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do áp lực của nền kinh tế Nga thời gian gần đây. Số tiền người Tajikistan gửi về nước đã giảm 33% trong năm 2015 và tiếp tục giảm thêm 14% trong tháng 1 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ cũng đang phải đối mặt với nỗi đau tương tự. Tiền trả cho các công nhân làm việc tại Nga chiếm tới 30% GDP của Kyrgyzstan, 24% đối với Moldova và 20% đối với Armenia.
Các nước xuất khẩu dầu mở như Azerbaijan cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng bởi giá dầu tụt dốc. Không chỉ vậy, các nước nhập khẩu cũng chịu tổn thương khi không có được nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào cũng như bị “kẹt” trong các bản hợp đồng giao dịch bằng USD lâu dài với Nga.
Theo nhận định của nhà báo Rachel Morarjee, nếu Tajikistan và những người hàng xóm không thể xuất khẩu lao động sang Nga giống như họ vẫn làm từ hàng thập kỷ nay, thì các quốc gia này sẽ phải tìm một nguồn phát triển mới.
Tình trạng suy thoái về kinh tế này có thể là dấu hiệu báo trước cho sự bất ổn chính trị sắp tới ở Trung Á.
Viễn cảnh hàng triệu thanh niên trẻ trở về quê hương khiến kinh tế nước nhà chịu gánh nặng rất có khả năng dẫn đến “một cú nổ” chính trị ở các nước vốn đã có lịch sử về sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.