Italy: Ngành thời trang xa xỉ vẫn có lãi bất chấp khủng hoảng

08/01/2015 13:01 PM |

Một số hãng thời trang nổi tiếng của Italy như Salvatore Ferragamo, Tod, Brunello Cucinelli và Luxottica đều thông báo mức doanh thu bán hàng trên toàn thế giới gia tăng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2014.

Đây là thống kê do công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường thời trang và hàng xa xỉ Studio Pambianco có trụ sở tại thành phố Milan đưa ra mới đây.

11 công ty hàng đầu Italy đã công bố có tổng doanh thu hơn 12,4 tỷ euro trong 9 tháng đầu năm 2014, cao hơn 1,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của các công ty này đạt 2,6 tỷ euro, tăng 21,4% so với năm 2013.

Theo báo cáo này, công ty Luxottica, nhà sản xuất và phân phối kính hàng đầu thế giới, công bố mức doanh thu đạt 5,8 tỷ euro (tăng 2,1%) và công ty Salvatore Ferragamo đạt doanh thu cao kỷ lục ở mức 957 triệu euro (tăng 4,6%).

Doanh thu của công ty Prada trong 3 quý đầu năm 2014 bị giảm nhẹ (0,9%), nhưng doanh số bán hàng trên toàn cầu của hãng này vẫn đạt 2,5 tỷ euro.

Nghiên cứu trên cũng cho biết lợi nhuận của các công ty thời trang vẫn cao bất chấp tình hình bất ổn ở Hong Kong, với doanh số của công ty Brunello Cucinelli tăng 10,2%, đạt 277 triệu euro.

Theo ông Alessio Candi, tư vấn viên của công ty Studio Pambianco, các công ty trên đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế của Italy tốt hơn các công ty khác.

Ông Candi cũng cho biết, các công ty bán hàng xa xỉ đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc sụt giảm của hai thị trường đang nổi là Nga và Trung Quốc.

Triển vọng bán hàng trong năm 2015 của các công ty Italy sẽ tiếp tục khả quan. Theo hãng tin ANSA, việc bán hàng hằng năm của các công ty Italy đã bắt đầu sớm hơn so với dự kiến trên khắp Italy vào ngày thứ 2/1 vừa qua nhằm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.

Việc giảm 40% giá các mặt hàng được bắt đầu ở khu vực Basilicata và Campania, miền Nam Italy vào 2/1 và bắt đầu ở các khu vực khác của Italy vào 3/1.

Theo nghiên cứu Tổng hiệp hội các doanh nghiệp, các hoạt động chuyên nghiệp và lao động Italy (Confcommercio), cứ 2 người thì có 1 người Italy có khả năng sẽ tận dụng cơ hội giảm giá để mua hàng, dù chi tiêu tiêu dùng đối với các mặt hàng của Italy đã giảm 7,3% trong năm 2014.

Theo Phạm Đức Hòa

Cùng chuyên mục
XEM