"Tổ chức 100 hội thảo khuyến nông không bằng nhắn nhủ 1 ông thương lái"

24/09/2015 18:36 PM |

Việc yêu cầu gần 8 triệu nông hộ không dùng chất kháng sinh thì không xuể, không hiệu quả. Nhưng, chỉ cần người thương lái dừng mua nếu người chăn nuôi vẫn dùng chất cấm, họ ắt phải dừng.

Đây là chia sẻ của ông Hồ Hoàng Dũng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật CTCP GreenFeed Việt Nam - tại hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP” diễn ra sáng 24/9.

Ông Dũng cho rằng, việc cố gắng thuyết phục người chăn nuôi hiểu và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là điều khó thực thi.

“Chúng ta không thể đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra. Làm như vậy không xuể”, ông Dũng nói.

Theo thống kê, Việt Nam có 7,86 triệu nông hộ chăn nuôi gia cầm và 6.970 trại gà. Với tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn, việc kiểm soát chất kháng sinh trong chăn nuôi tất gặp khó khăn.

Ông Dũng khuyến nghị, để kiểm soát hiệu quả việc sử dụng kháng sinh, nên chăng chúng ta “nắn đường lưu thông”, tức thực hiện kiểm soát từ khâu thương lái, thay vì kiểm soát từ khâu chăn nuôi với 65 - 70% là quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết.

“100 cán bộ khuyến nông nói với người chăn nuôi không bằng một ông thương lái nói với họ. Chỉ cần người thương lái nói rằng “ai xài thuốc này, thuốc kia, tôi không mua”, người chăn nuôi khắc phải dừng xài”, ông Dũng nói.

Chúng ta có tổ chức 100 hội thảo tuyên truyền đừng nên xài kháng sinh cũng không có tác dụng bằng lời nói của 1 người thương lái”.

Ông Dũng lấy ví dụ về một đơn vị nhập khẩu trứng cút. Doanh nghiệp nhập khẩu này yêu cầu trứng cút thu mua không được có 102 chất kháng sinh theo danh sách công bố của họ. Khi nhận trứng, họ sử công cụ kiểm tra nhanh, hễ phát hiện ra có chất kháng sinh nào trong danh sách trên là trả về.

“Khi đó, tự động người thu mua trứng cút phải nói với người chăn nuôi là nếu xài 102 chất kháng sinh kia họ sẽ không mua”, ông Dũng nói.

Với biện pháp này, số lượng người cần “nắn” để kiểm soát sẽ ít hơn, dễ kiểm soát hơn. Chứ làm trực tiếp từ người chăn nuôi chúng ta làm không xuể. Tôi nghĩ việc nắn đường lưu thông sẽ dễ thực thi hơn”.

Theo TS. Dương Xuân Tuyến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA, một trong những thách thức của ngành chăn nuôi là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tồn dư chất kháng sinh, chất cấm... còn phổ biến.

Nhưng thách thức lớn hơn cả của ngành chăn nuôi là tình thế sống còn khi gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, chăn nuôi gia cầm là ngành được dự báo bị ảnh hưởng lớn nhất.

“Nếu không có bước tiến về giống, kỹ thuật chăn nuôi, giảm chi phí giá thành, xây dựng chuỗi khép kín... thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu là khốc liệt, nhất là quy trình công nghệ của chúng ta đang lạc hậu nhiều so với thế giới”, TS. Tuyến cho biết.

Hiện Việt Nam xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới, thuộc Top 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới. Năm 2014, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 328,1 triệu con, trong đó đàn gà đạt 243 triệu con.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng dang đứng trước khó khăn khi gà nhập khẩu ùn ùn đổ về. Trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng số thịt và sản phẩm từ gia cầm làm thực phẩm nhập khẩu là gần 64.600 tấn. Trong đó, phần lớn thịt gà nhập khẩu là thịt đùi gà đông lạnh (hơn 44.000 tấn).

Tính trung bình, mỗi tháng năm 2015, Việt Nam nhập khẩu tăng hơn 855 tấn thịt gà so với mỗi tháng năm 2014.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM