Nghịch lý lãi suất vay vốn chăn nuôi cao hơn tiêu dùng
Nhiều ngân hàng đang mời chào vay vốn mua nhà, mua ô tô với lãi suất chỉ 6-7%/năm, trong khi nhiều người chăn nuôi đang phải vay vốn với lãi suất xấp xỉ 10%/năm.
Chăn nuôi 10%/năm, tiêu dùng 6-7%/năm
Anh Phan Đình Hòa (trú tại Tam Sơn, Sông Lô, Vĩnh Phúc) vừa xây xong ngôi nhà hai tầng khá khang trang từ tiền tích góp sau 15 năm nuôi rắn. Anh cho biết, mấy năm trước, rắn được giá nên gia đình dành dụm vừa cho con ăn học vừa xây nhà. “Nhưng cố gắng thì vợ chồng tôi cũng chỉ xây được phần thô thôi. Tường sẽ trát dần, cửa lắp dần, đồ đạc cũng sắm dần. Song lo nhất hiện nay là khoản vay vốn ngân hàng để chăn nuôi vẫn chưa trả hết”, anh Hòa cho hay.
Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn đề nghị, nên có chính sách tổng thể, không chỉ riêng về vốn cho ngành Nông nghiệp. Bởi Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 vẫn còn đang gặp khó khăn khi thực hiện.
Khi hỏi về khoản vay, anh Hòa liền cho xem hợp đồng vay vốn đứng tên vợ. Anh cho biết, mấy năm nay, gia đình anh đều vay vốn ngân hàng để chăn nuôi. Năm nay, anh vay 300 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời hạn 12 tháng với lãi suất 10,5%/năm, thế chấp bằng mảnh đất của gia đình. Mỗi tháng, anh phải dành hẳn một khoản để trả lãi (tháng 8 là 2.712.000 đồng). Anh cũng cho biết, để tận dụng mảnh đất sau nhà, vợ chồng anh dự định nuôi thêm mấy chục con lợn nhưng đang cân nhắc vì muốn tăng gia lại phải vay thêm vốn của ngân hàng hoặc bán bớt rắn.
Không chỉ gia đình anh Hòa gặp khó khăn về vốn. “Trong thôn cũng có nhiều nhà nuôi lợn, nuôi gà nhưng không thấy có chương trình khuyến nông hay cho vay hỗ trợ nào”, anh Hòa nói.
Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều rầm rộ mời chào khách vay tiêu dùng với mức lãi suất rất hấp dẫn. Chẳng hạn, Ngân hàng HSBC chào gói vay mua nhà, lãi suất 6,49%/năm, trong đó khách hàng có thể lựa chọn lãi suất cố định đến ba năm; Ngân hàng SHB quảng cáo chương trình cho vay mua nhà, mua ô tô, sửa chữa nhà, kinh doanh… lãi suất chỉ từ 5%/năm (triển khai đến hết 31/12/2015); Vietcombank dành 10 nghìn tỷ đồng cho vay tiêu dùng, kinh doanh, lãi suất chỉ từ 7%/năm…
Ngân hàng ngại rủi ro
Nói về việc giải ngân vốn vay cho khách hàng, nhân viên tại chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) của một ngân hàng thương mại lớn cho biết, ngân hàng nơi anh làm việc đang đẩy mạnh cho vay vốn, lãi suất dao động từ 7%/năm đối với cá nhân vay trung và dài hạn cho kinh doanh, nhà ở. Với khách hàng doanh nghiệp, vốn vay trung và dài hạn là 10,8%, khách hàng nằm trong diện ưu đãi có thể hạ xuống 9%; với khoản vay ngắn hạn lãi suất 10,5%/năm. Thậm chí, gói vay riêng dành cho khách hàng mua ô tô chỉ 6%/năm trong 6 tháng đầu và ở mức 7,2%/năm đối với thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, anh này thừa nhận, ngân hàng thích cho vay mua nhà, mua ô tô hơn là cho vay nông nghiệp, nông thôn vì thủ tục nhanh lại có tài sản đảm bảo.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận, ngoài vấn đề lãi suất cao, ngành chăn nuôi hiện rất khó tiếp cận vốn nên không thể mở rộng sản xuất. “Ngân hàng sợ rủi ro khi cho người chăn nuôi vay vốn do không có tài sản thế chấp”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, trước đây, Nhà nước có chính sách bù lãi suất để hỗ trợ vốn cho nông nghiệp và giao cho các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, rất ít tỉnh, TP thực hiện được điều này và cũng chỉ thực hiện được một vài năm, do không bố trí được kinh phí. Ông Sơn nói: “Trên thực tế, người chăn nuôi vẫn phải tự bươn chải”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét, người chăn nuôi nói riêng, nông dân nói chung đều không nắm được thông tin chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại thông báo rộng rãi, thậm chí có đường dây nóng để người dân phản ánh. Chính quyền địa phương cũng phải phối hợp như dán thông báo, đọc trên loa xã, phường...
“Nông nghiệp là lĩnh vực cực kỳ rủi ro, không có bảo hiểm. Do đó, người dân phải tạo niềm tin cho ngân hàng hoặc tham gia vào các chuỗi sản xuất có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm... thì sẽ dễ tiếp cận vốn hơn”, ông Phong khuyến nghị.