Hàng không chi hàng chục tỉ vì khách nữ không được nhập cảnh Singapore
Với hành khách bị giữ lại, nhà chức trách Singapore sẽ tính tiền theo đơn vị tiếng đồng hồ nên tổng chi phí một khách ở lại lên đến hơn 150 USD.
Nhiều du khách Việt (chủ yếu là nữ) thời gian qua bị từ chối nhập cảnh Singapore một cách vô lý, làm nhiều hành khách bị tổn thương và gây thiệt hại cho các hãng hàng không.
Cục Hàng không cho biết, thời gian gần đây, theo báo cáo của các hãng hàng không có chuyến bay từ Việt Nam đến Singapore, nhiều hành khách Việt Nam có đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định khi nhập cảnh Singapore bị nhà chức trách có thẩm quyền của Singapore từ chối và phải quay lại Việt Nam, đa số là hành khách nữ.
Các hành khách này đã bị buộc quay trở lại Việt Nam trên các chuyến bay của hãng hàng không vận chuyển đến, gây khó khăn, phát sinh chi phí cho người vận chuyển và hành khách.
Kiến nghị có công hàm chính thức
Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư gửi Cục Hàng không dân dụng Singapore đề nghị phía bạn làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh của Singapore và cung cấp cho hãng hàng không của cả hai nước danh sách những người Việt Nam không được khuyến khích đến Singapore. Từ đó, các hãng hàng không cập nhật và có thể chủ động thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của hành khách và giảm thiệt hại.
Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Ngoại giao về vấn đề trên và có công hàm chính thức tới các cơ quan ngoại giao của Singapore đề nghị giải thích rõ, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hãng hàng không khi khai thác các đường bay giữa hai nước và bảo đảm quyền lợi cho hành khách.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, đến nay Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận được thư trả lời của Cục Hàng không dân dụng Singapore nên chưa có những thông tin cụ thể về những trường hợp bị từ chối nhập cảnh.
Để tránh việc bị từ chối nhập cảnh, Cục Hàng không khuyến cáo hành khách đến Singapore cần chứng minh được đã mua cả vé chiều về; có thông tin cụ thể về mục đích đến Singapore, khách sạn lưu trú ở Singapore.
Trường hợp đi du lịch cần chứng minh được thông tin về đơn vị tổ chức đi, lịch trình tham quan; có thư mời sang Singapore; có các thông tin cụ thể về người thân ở Singapore nếu đi thăm người thân...
Hãng hàng không mất 15-16 tỷ đồng/năm
Trong trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh sẽ gây khó khăn, phát sinh chi phí cho hành khách, hãng hàng không như: hãng hàng không vận chuyển khách đến phải mua vé cho hành khách trở về Việt Nam trong trường hợp hành khách không chịu mua vé hoặc không còn tiền để mua vé trở về, phải trả các chi phí sân bay khác.
Trường hợp dù khách có tiền mua vé thì với chuyến bay đã đầy khách, hãng hàng không phải cắt bớt khách đã mua vé để bố trí chỗ cho người bị từ chối nhập cảnh bay trở về.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một hãng hàng không có đường bay qua Singapore cho biết nhà chức trách Singapore có quyền kiểm tra, đánh giá, không cho hành khách nhập cảnh. Trong thời gian chờ đợi để hành khách này quay trở lại, với tất cả chi phí ăn ở, lưu lại sân bay... nhà chức trách hàng không Singapore buộc hãng hàng không phải ứng trước, sau đó sẽ tính lại với hành khách.
“Hành khách bị giữ lại sẽ bị nhà chức trách tính tiền theo đơn vị tiếng đồng hồ nên tổng chi phí một khách ở lại lên đến hơn 150 USD. Khi chúng tôi mới mở đường bay sang Singapore, chi phí này mỗi tháng chúng tôi phải trả cho phía nhà chức trách Singapore đến vài chục ngàn USD”, ông này thừa nhận.
Đại diện một hãng hàng không khác cũng đang khai thác đường bay sang Singapore từ Việt Nam cho biết trung bình một năm hãng này mất khoảng 15-16 tỷ đồng cho chi phí chở các hành khách nữ không được phép nhập cảnh Singapore.
Các nhân viên làm thủ tục mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, khi làm thủ tục cho các hành khách nữ trẻ, họ luôn kiểm tra kỹ hộ chiếu, vé máy bay khứ hồi và cả tiền mặt hoặc thẻ tín dụng theo yêu cầu phía hãng hàng không.
“Phần lớn các khách đều đưa ra vé máy bay khứ hồi, tiền mặt nhưng khi hành khách đó bị trả về, đại diện hãng hàng không truy thu tiền vé máy bay, chi phí lưu trú, ăn ở tại sân bay Changi thì chẳng có khách nào chịu trả”, một nhân viên tại đây cho biết.
“Tôi cảm thấy tổn thương”
- Chị Đ.T.B.N. (26 tuổi, phường Bình An, quận 2, TP HCM) cho biết chuyến đi du lịch Singapore lần đầu tiên của mình gần cuối năm 2014 không ngờ quá “ấn tượng”. Cùng một người bạn làm thủ tục nhập cảnh vào Singapore nhưng chị là người bị nhân viên hải quan giữ lại. Sau vài câu hỏi, chị được mời vào một phòng có cửa khóa bên trong với gần 20 phụ nữ người Việt khác.
Sau khi ngồi chờ, chị được một nhân viên phụ trách nhập cảnh mời đến hỏi kế hoạch, dự định thời gian lưu lại Singapore, kiểm tra vé máy bay khứ hồi, tên địa chỉ khách sạn, tiền mặt mang theo... Sau đó chị được yêu cầu phải lăn dấu vân tay, chụp ảnh rồi mới cho nhập cảnh vào Singapore.
“Tôi cũng có nghe bạn bè nhắc phải mang theo tiền để chứng minh nếu bị hỏi nhưng cũng không nghĩ mình lại rơi vào tình huống này”, chị B.N. kể lại.
- Chị C.T.M.N. (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM) cũng bị giữ lại trong khi hai người bạn đi cùng được nhập cảnh. Chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Changi lúc 12g đêm, chị M.N. bị giữ lại sau khi nhân viên phụ trách nhập cảnh nhìn chị khá kỹ lưỡng từ đầu tới chân.
Chị bị yêu cầu vào một căn phòng bên trong đã có sẵn khá nhiều phụ nữ Việt Nam, trong đó có cả những phụ nữ cùng em bé.
“Tôi có hỏi tại sao lại giữ lại và bị yêu cầu lăn dấu vân tay, chụp ảnh, nhân viên trả lời họ cần kiểm tra thông tin” - chị M.N. kể. Những phụ nữ khác cũng bị hỏi có mang theo tiền không, ở khách sạn nào, ở bao lâu...
“Có mấy chị không biết tiếng Anh thì anh thanh niên người Singapore đứng đó xòe mấy ngón tay, rồi búng tay liên tục nói “tiền, tiền, tiền?” bằng giọng Việt lơ lớ”. Chị M.N. cho biết sau khoảng 30 phút, chị được “thả”.
“Tôi cảm thấy tổn thương vì chung chuyến bay ngoài người Việt còn nhiều người quốc tịch khác mà sao chỉ phụ nữ Việt bị giữ lại?”.