Hà Nội cần chuẩn bị để gia nhập TPP?

08/11/2015 08:36 AM |

Theo các chuyên gia, có thể đến giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018 thì Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới có thể chính thức được ký kết, nhưng việc chuẩn bị các công việc ngay từ bây giờ đã là muộn…

Chia sẻ tại hội thảo: Thuận lợi và thách thức với Hà Nội khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Với nhiều lợi thế sẵn có như nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn so với các địa phương khác, nguyên vật liệu sản xuất tại chỗ, cơ sở hạ tầng phát triển… Hà Nội sẽ có cơ hội tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực như dịch vụ chất lương cao, công nghiệp may mặc và phụ trợ, hạ tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.

“Hiện đã có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm dò, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng bày tỏ nếu TPP được ký kết, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam”, ông Phương cho hay.

Nhu cầu về văn phòng, khách sạn cũng được dự đoán sẽ gia tăng, do đó sẽ có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. Thông qua dòng vốn đầu tư từ các nước thành viên có trình độ phát triển cao, Hà Nội sẽ thu được những lợi ích đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, tạo ra hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Lĩnh vực đầu tư chuyển nhượng dự án cũng sẽ tăng khi các nhà đầu tư có vốn lớn muốn đầu tư vào Hà Nội.

Bên cạnh đó, theo ông Phương, Hà Nội cũng sẽ có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua bán sáp nhập bởi Hà Nội là một trong hai thành phố có số lượng doanh nghiệp đông nhất cả nước.

Theo các chuyên gia, cùng với những thuận lợi thì Hà Nội cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, khó khăn cả ở lĩnh vực thương mại lẫn đầu tư. Khó khăn nhất là sức sép cạnh tranh gay gắt trong thị trường nội địa cũng như nước ngoài, cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rào cản dưới dạng kỹ thuật phức tạp hơn. Các mặt hàng nông sản phải đáp ứng được các quy định khắt khe hơn về an toàn thực phẩm….

Hà Nội phải làm gì?

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội, khi tham gia TPP, Hà Nội cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác thành viên trong TPP. Thực hiện kịp thời việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, hải quan.

Tập trung quảng bá thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Hà Nội, xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm giúp doanh nghiệp kết nối, tìm đối tác, mở rộng thị trường. Nhất là, đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng không quá nhấn mạnh số lượng mà là chất lượng, chính sách phát triển riêng đối với một số ngành cụ thể như dệt may… là những việc mà theo ông Phương Hà Nội cần thực hiện.

Còn theo TS. Nguyễn Hùng Sinh, Phó Giám đốc Công ty xuất khẩu nông sản Hà Nội, thành phố cần có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế xây dựng và thực thi các chương trình xúc tiến thương mại có hiệu quả.

Đặc biệt, Hà Nội cần phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác phát triển, mở rộng thị trường thông qua việc đào tạo, nâng cấp cơ sở dạy nghề cho người lao động.

Cũng theo các chuyên gia, không chỉ Hà Nội cần chuẩn bị mà ngay cả các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu kỹ thị trường để nắm được thị hiếu, xu hướng phát triển, từ đó có kế hoạch, phương pháp marketing phù hợp.

Điều quan trọng, doanh nghiệp cũng cần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nhất là trình độ ngoại ngữ cho người lao động… để sẵn sàng khi TPP chính thức được ký kết.

 

Theo Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM