Giàu nghèo ở Ba Lan

20/08/2014 09:50 AM |

Miền Đông và miền Tây của Ba Lan không chỉ bị chia cắt vì sự giàu có mà còn có nhiều quan điểm khác nhau về văn hóa.

Những thính giả trung thành nhất của đài phát thanh Công giáo mang xu hướng bảo thủ Radio Maryja ở Ba Lan thường là những người cao tuổi sống ở vùng nông thôn thuộc miền Đông Ba Lan. Ủng hộ đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý (PiS), họ là một phần của “Polska B” – hình ảnh của một Ba Lan nghèo đói và kém phát triển hơn. 

Tương phản với “Polska B” là “Polska A” – vùng giàu có với kinh tế phát triển mạnh mẽ gồm thủ đô Warsaw và miền Tây Ba Lan. 

Miền Đông và miền Tây của Ba Lan không chỉ bị chia cắt vì sự giàu có. Theo Padraic Kenney – chuyên gia nghiên cứu về Trung Âu tại ĐH Indiana, Đông và Tây Ba Lan còn có nhiều quan điểm khác nhau về văn hóa. Miền Đông được nhận định là bị tụt hậu ở phía sau. 

Lịch sử bị chia cắt

Sự phân chia Đông – Tây bắt đầu từ thế kỷ 15, khi người châu Âu tới châu Á và châu Mỹ đồng thời hoạt động thương mại quốc tế có những bước đột phá. Tây Âu bành trướng ra nước ngoài bằng cách thành lập các thuộc địa, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và giao dịch thương mại. 

Ngược lại, Ba Lan và phần lớn Trung Âu vẫn mắc kẹt với nông nghiệp. Ba Lan và Ukraine trở thành vựa lúa của châu Âu. Với chế độ phong kiến vẫn còn thịnh hành, các thành phố của Ba Lan mất đi quyền lực kinh tế cũng như chính trị. 

Sau khi Ba Lan 3 lần bị chia cắt trong thế kỷ 18, phía Tây trở thành một phần của đế chế Phổ và nhanh chóng được công nghiệp hóa. Trong khi đó, Nam Ba Lan bị đế chế Áo Hung hùng mạnh “nuốt trọn”, miền Trung và miền Đông Ba Lan đi theo Nga hoàng. 

Sự phân chia của Ba Lan chính là mô hình thu nhỏ của sự đối lập giữa Bắc Âu và Tây Âu. Ở phía Tây Ba Lan, các nông trại có qui mô lớn và sản xuất nông sản để cung cấp cho thị trường, trong khi ở miền Đông vẫn là nông nghiệp tự túc. 

Năm 1900, thu nhập bình quân đầu người ở các vùng phía Tây là 113 USD, ở Galicia (tỉnh thuộc cai trị của Áo) là 38 USD và ở các vùng thân Nga là 21 USD. Bản đồ hệ thống đường sắt ở Ba Lan năm 1914 cũng thể hiện rõ sự chênh lệch: dày đặc ở phía Tây và khá thưa thớt ở phía Đông. 

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đất nước Ba Lan mới dành được độc lập đã làm khá tốt công việc thống nhất 3 vùng cả về hành chính, kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên thời kỳ này chỉ kéo dài trong 2 thập kỷ và chấm dứt khi Đức xâm chiếm Ba Lan năm 1939. Sau cuộc chiến này, cả đất nước Ba Lan đều rơi vào tình trạng trì trệ. 

Khi Đảng Cộng sản Ba Lan không còn nắm ưu thế, sự phân chia Đông – Tây cũng như thành thị - nông thôn lại nổi lên ở Ba Lan. Cũng chính sự chênh lệch này giúp Đảng Liên minh cánh tả dân chủ lên nắm quyền năm 1993. 

5 năm sau khi Liên Xô (cũ) tan rã, thu nhập bình quân đầu người của những vùng nghèo nhất ở Ba Lan bằng 1/4 so với ở Warsaw. 5 năm tiếp theo, tỷ lệ là 1/5, tương đương với năm 1990. Hố sâu ngăn cách tiếp tục lớn lên sau khi Ba Lan gia nhập EU. Năm 2005, thu nhập bình quân đầu người ở Warsaw là 19.100 euro, trong khi thu nhập ở những vùng nghèo nhất chỉ ở mức 4.000 euro.  

Là thành viên của EU đem đến cho miền Đông Ba Lan rất nhiều lợi ích. Từ năm 2007 đến 2013, khu vực này nhận được 2,3 tỷ euro từ quỹ cơ sở hạ tầng của EU. Podlaskie, Lubelskie, Podkarpackie, Warminsko-Mazurskie và Swietokrzyskie (5 tỉnh nghèo nhất của Ba Lan) sử dụng số tiền này để nâng cấp đường sá cũng như các cơ sở hạ tầng khác. 

Tuy nhiên, chênh lệch vẫn còn tồn tại. Lubelskie là tỉnh nghèo nhất ở Ba Lan. Khoảng 36% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp (chủ yếu là trên các nông trại có năng suất thấp), cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình trên cả nước. Ngoài nông nghiệp, phần lớn người dân làm việc trong khu vực công với tỷ lệ công chức cao hơn 50% so với mức trung bình cả nước. 

Người lao động ở miền Đông cũng có mức lương thấp hơn so với cả nước. Ở Lublin, một kế toán với 1-2 năm kinh nghiệm kiếm được khoảng 7.200 euro mỗi năm. Trong khi đó, ở Wroclaw (miền Tây Ba Lan), mức lương cho vị trí tương đương là khoảng 10.000 euro. Miền Đông cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với các vùng khác. 

Không có gì khó hiểu khi rất nhiều người dân miền Đông Ba Lan di cư. Lublin có tổng cộng 5 trường đại học (cả trường công và trường tư) với hơn 80.000 sinh viên nhưng các sinh viên sẽ chọn tới Warsaw làm việc hoặc ra nước ngoài. Khu vực tư nhân ở đây cho họ quá ít cơ hội việc làm. 

Vực dậy Lublin

Krzysztof Zuk – thị trưởng của Lublin kể từ năm 2010, đang cố gắng giúp thành phố của ông đuổi kịp các thành phố ở phương Tây. Ông phụ trách Chiến lược phát triển Lublin giai đoạn 2013 – 2020, chương trình đặt ra những kế hoạch đầy tham vọng cho thành phố. 

Nằm cách biên giới Ukraine 100km và cách Belarus 150km, Lublin đang cố gắng trở thành cầu nối giữa Ukraine và Nga. Đã có nhiều người Ukraine đầu tư vào bất động sản và gửi con tới học đại học ở Lublin. 

Ngài thị trưởng đã đạt được một số thành tựu như cải tạo một số tòa nhà mang tính lịch sử của thành phố hay tạo ra 4.000 việc làm mới trong các ngành công nghệ thông tin và thuê ngoài (outsourcing). Ông đặc biệt tự hào về sân bay Lublin. 

Năm ngoái, 190.000 lượt khách đã quá cảnh ở đây để tới thăm các địa danh nổi tiếng của Ba Lan và các thành phố châu Âu khác. Ông cũng xây dựng nhiều con đường, trong đó có đường cao tốc tới thủ đô Warsaw dự kiến được hoàn thành vào năm 2017. 

Hiện tại, mất tới 3 giờ chạy xe để đi quãng đường 166km từ Lublin tới Warsaw trên con đường chỉ có một làn xe chật ních những chiếc xe tải cồng kềnh.  

Piotr Falek là một doanh nhân khá lạc quan về Lublin. Ông tự hào về thành phố quê nhà với lực lượng lao động chất lượng cao và thành phố xanh sạch đẹp. Tuy nhiên, ở Lublin không có nhiều doanh nhân thành công như ông. Công ty Syntea được Falek thành lập năm 2003, cung cấp các dịch vụ IT và đào tạo, có doanh thu 5,5 triệu euro và có khoảng 100 nhân viên. 

Năm ngoái, công ty này ký hợp đồng hợp tác với Aptech – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo của Ấn Độ nhằm đào tạo các tiếp viên hàng không và nhân viên phụ trách mặt đất.

Giao thông vẫn là điểm yếu của Lublin. Vì lịch sử chia cắt, chỉ có 3 cây cầu bắc qua sông Vistula nối Krakow và Lublin. “Tuy nhiên, sân bay đã mang lại sự thay đổi lớn”, thị trưởng Falek nói. Ông hi vọng rằng Đông và Tây Ba Lan sẽ cùng nhau tăng trưởng trong tương lai thay vì phải đợi thêm 123 năm nữa. 

>> Cuộc sống đời thường ở đất nước bí ẩn nhất hành tinh

Theo Thu Hiền

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM