Giải pháp cho nợ công: Lấy dài nuôi ngắn

11/06/2014 09:23 AM |

“Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn để vừa phục vụ phát triển mới, vừa phục vụ cho vay đảo nợ. Điều đó có nghĩa là thời hạn vay mới phải dài hơn thời hạn vay các khoản cũ.”

Chiều ngày 10/06/2014, tại phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã lên "ghế nóng".

Đi vay để trả nợ, nợ công có thực sự an toàn?

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi, theo kế hoạch năm 2014, số chi nợ công chiếm gần 21% tổng chi NSNN trong khi số chi thường xuyên xấp xỉ 90% tổng thu ngân sách dự toán, làm sao đủ trả nợ chưa kể chi đầu tư phát triển? Như vậy, với tình trạng vay để trả nợ thì nợ công có thực sự an toàn hay không?

Trả lời cho câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong những năm gần đây con số tuyệt đối của nợ công tăng lên nhưng để đánh giá tính bền vững và độ an toàn của danh mục, phải tính đến cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Với các con số công bố thời gian qua, có thể thấy nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn.

Cụ thể, chỉ tiêu nợ công/GDP không thay đổi nhiều qua các năm. Năm 2010, tỷ lệ này là 51,7%, năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8% và năm 2013 là 53,4% (tính cả số bội chi năm 2012), tức là tỷ lệ này nằm trong ngưỡng 65% cho phép. Và theo lời Bộ trưởng, với mức GDP tăng trưởng trung bình trong những năm tới thì khả năng trả nợ vẫn được duy trì và đảm bảo.

Một chỉ tiêu để đánh giá nợ công cần được nhắc tới là tỷ lệ trả nợ của Chính phủ/tổng thu ngân sách. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, cuối năm 2013, tỷ lệ này đã vượt ngưỡng 25%. Nhưng phân tích sâu thì trong số đó có 10% là vay để đảo nợ. Theo Bộ trưởng, việc vay đảo nợ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ nên nếu trừ nghĩa vụ vay để đảo nợ thì tỷ lệ trên vẫn nằm ở mức 20 - 21% - tức dưới mức 25%. 

Trả lời cho đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà nẵng) về câu hỏi tỷ lệ nợ công bằng 53,4% GDP có bao gồm vốn vay của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ bảo lãnh hay không, Bộ trưởng khẳng định, theo luật nợ công, phần nợ DNNN được chính phủ bảo lãnh, mà thậm chí là của cả Doanh nghiệp khác (vì chúng ta không phân biệt DNNN hay doanh nghiệp ngoài nhà nước) đều được tính trong nợ công.

Về số nợ của Vinashin, Vinalines, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính Phủ đã bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Vinashin, Vinalines theo đúng các quy định pháp lý về việc cấp và xử lý nợ. Số liệu nợ đã được rà soát đối chiếu kỹ lưỡng nhưng … cụ thể con số, nếu đại biểu cần, sẽ có trao đổi chi tiết với đại biểu sau.

Thời điểm trả nợ mới là điều quan trọng

Điều quan trọng hơn đối với vấn đề nợ công của Việt Nam là thời điểm trả nợ. Bộ trưởng cho biết trong cơ cấu nợ công hiện nay, có 50% là nợ nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp với thời hạn trả nợ còn lại là 14 -15 năm. 50% khoản còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác với thời hạn ngắn (chỉ 2, 3 và 5 năm). Tính bình quân, 30% vốn huy động trong nước đang ở thời gian trả nợ từ 1- 3 năm.

Đây thực sự là vấn đề hệ trọng cần phải có giải pháp cơ cấu lại. Cuối năm 2013, đầu năm 2014 Bộ Tài chính đã báo cáo Chính Phủ thực hiện các giải pháp cơ cấu này. Theo đó, Chính phủ đã thực hiện tăng dần tỷ trọng của số trái phiếu Chính phủ có thời hạn 5 năm, 10 năm và có thêm một số đợt phát hành thời hạn 15 năm. Cũng theo lời Bộ trưởng, trong 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã huy động được trên 150.000 tỷ nhưng thời hạn vay ngắn (1, 3, 5, 10 năm) và nghĩa vụ trả nợ sẽ “dồn cục” vào năm 2016, 2017.

“Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn để vừa phục vụ phát triển mới, vừa phục vụ cho vay đảo nợ. Điều đó có nghĩa là thời hạn vay mới phải dài hơn thời hạn vay các khoản cũ.” – Bộ trưởng Bộ tài chính phát biểu.

Bộ trưởng cho biết thêm, số nợ vay về cho vay lại của chúng ta là 6,9% GDP. Năm 2014, rút vốn của Chính phủ là 96.000 tỷ đồng và cho vay lại khoảng 60.000 tỷ. Năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 760.000 tỷ, số dư cho vay lại là 266.000 tỷ.

Chính phủ chỉ xem xét bảo lãnh vay trong nước với các Dự án cấp bách

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính vẫn cùng các Bộ phối hợp thực hiện các giải pháp như đánh giá lại nợ công, phân kỳ đầu tư với dự án, quản lý đồng tiền vay, chống lãng phí giàn trải và đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phát hạn mức của Chính phủ. 

Theo đó, Chính phủ chỉ xem xét bảo lãnh vay trong nước với các Dự án cấp bách. Trong quá trình điều hành sẽ chủ động giảm dần bội chi, hạn chế tối đa tạm ứng vốn Ngân sách. Một giải pháp quan trọng nữa là phát triển thị trường trái phiếu bởi vì quy mô thị trường này của Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế.

>> Nếu tính đầy đủ, nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP

Theo Hồng Hà

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM