Giá dầu sẽ xuống 10 USD/thùng?

22/01/2016 08:40 AM |

Tổng giám đốc điều hành, giám đốc của tập đoàn năng lượng toàn cầu BP, Bod Dudley, nói rằng, viễn cảnh giá dầu thô tiếp tục lao dốc xuống mức 10 USD/thùng “không phải là không thể xảy ra”. Tuy nhiên, ông dự đoán giá dầu sẽ sớm hồi phục, đạt mức 50 USD/thùng vào cuối năm nay.

Đầu tháng này, ngân hàng Standard Chartered dự đoán giá dầu thô sẽ tiếp tục phá đáy và chạm mốc 10 USD/thùng. Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, ông Dudley không phủ nhận con số u ám “10 USD/thùng”.

Tuy nhiên, ông cho rằng, việc giảm giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn, trong khoảng quý 1 và quý 2 năm nay. Sau đó, “nhu cầu tăng lên ở Trung Quốc và Bắc Mỹ… Giá sẽ bắt đầu vào đường cong đi lên”, ông chủ BP nhận định.

Cụ thể, giá dầu thô sẽ ở mức 30-40 USD/thùng vào giữa năm nay và “có khả năng quanh mức 50 USD vào cuối năm”, ông dự đoán. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (Mỹ) hiện ở mức dưới 27 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 5/2003, còn giá dầu thô Brent tụt xuống mức 27,2 USD/thùng, cũng thấp nhất 13 năm qua.

Ảrập Xêút thiệt hại nặng nề

Giá dầu đang ở điểm giao giữa địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Khi giá dầu giảm mất 85 USD/thùng chỉ trong vòng 2 năm qua, cả thế giới cảm nhận được làn sóng xung kích này. Khu vực Trung Đông có lẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất, vì phần lớn ngân sách dựa vào dầu khí.

Ở Nga, ngành năng lượng chiếm tới hơn 50% tổng thu ngân sách và 18% GDP của nước này. Ở Ảrập Xêút, dầu mỏ đóng góp tới 80% ngân sách và 45% GDP. Đồng rúp được thả nổi nên Nga có độ linh hoạt cao hơn khi đối phó cơn shock giá dầu. Trong khi đó, đồng riyal của Ảrập Xêút vẫn neo giá với đồng đô la Mỹ.

Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Ảrập Xêút là hơn 620 tỷ USD và Ảrập Xêút có thể sử dụng khoản tiền này để duy trì sự ổn định. Nhưng cũng có một điều đáng lưu ý là so với năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Ảrập Xêút đã giảm mất khoảng 100 tỷ USD. Giới quan sát nhận định, nếu giá dầu không đi lên, các vấn đề của Ảrập Xêút sẽ trầm trọng hơn.

Hiện nay, Mỹ không còn cần nhiều dầu của Ảrập Xêút như trước. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ngày càng miễn cưỡng trong việc can thiệp sâu hơn vào các điểm nóng Trung Đông. Trong khi đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran, đối thủ của Ảrập Xêút, sẽ “rót” thêm ra thị trường 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Các nước sản xuất, xuất khẩu nhiều dầu mỏ khác cũng đang chịu thiệt hại bởi giá dầu lao dốc không phanh. Đó là Nigeria, Brazil, Mexico… Tuy nhiên, các nền kinh tế này đa dạng hơn Ảrập Xêút, nên chịu thiệt hại ít hơn. Dù vậy, vẫn có nước lo hơn cả Ảrập Xêút, các nhà phân tích nhận định. Đó là Venezuela – quốc gia gần như nhập khẩu mọi thứ, trừ dầu thô.

Theo Bình Giang

Cùng chuyên mục
XEM