Giá dầu rẻ đang tác động đến thế giới theo cách hoàn toàn khác so với trong quá khứ
Trong quá khứ, dầu giá rẻ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ làm giảm tốc độ cải tiến trong lĩnh vực năng lượng sạch. Giờ đây bức tranh đang đi theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại.
Sau nhiều năm duy trì ở mức 100 USD/thùng, giá dầu Brent hiện nay chỉ bằng 1/3 con số trên. Nếu Nga và Ả Rập Xê-út thất bại trong nỗ lực tăng giá dầu, giá dầu 30 USD có làm thay đổi thế giới? Câu trả lời là có.
Trong kinh tế mọi thứ đều liên quan mật thiết với nhau, và điều này đặc biệt đúng với dầu. Dù mọi người đang nói nhiều về nền kinh tế tri thức, thế giới vẫn đang vận hành nhờ dầu. Vì dầu có nhiều công dụng và dễ vận chuyển, đây vẫn là chất bôi trơn của hệ thống năng lượng toàn cầu.
Khi giá dầu giảm không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Kinh nghiệm cho thấy giá dầu thấp có hại cho môi trường nhưng lại có lợi cho kinh tế. Năm ngoái, một báo cáo của PwC ước tính rằng giá dầu cứ giảm 50 USD trong dài hạn thì kinh tế Anh sẽ tăng trưởng thêm 1% trong 5 năm.
Vì lợi ích đem lại cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp nặng, nông nghiệp và giao thông sẽ bù đắp thiệt hại cho ngành sản xuất dầu.
Giá dầu rẻ làm kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong thập niên 1950 và 1960. Ngược lại, cú sốc tăng giá dầu trong thập niên 1970 đã gây ra những tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này. Sự bùng nổ tăng trưởng của thập niên 1990 thường ghi nhận công lao cho sự phát triển của Internet mà quên mất rằng giá dầu khi đó là rất thấp.
Và trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá dầu đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và giá dầu rẻ rõ ràng không phải là điều ngẫu nhiên.
Thế giới tiêu thụ gần 100 triệu thùng dầu một ngày, tương đương với 10 tỷ USD một ngày hay 3,5 nghìn tỷ USD một năm với giá dầu ở mức 100 USD. Sự sụp đổ kéo dài của giá dầu đã giảm hơn 2 nghìn tỷ USD số tiền phải trả để mua dầu.
Xét đến GDP của thế giới là khoảng 80 nghìn tỷ USD, con số trên không phải là nhỏ. Đây là khoản tiền khổng lồ được chuyển từ ví của nước sản xuất sang nước tiêu thụ dầu.
Sự gia tăng trong sức mua như đã nói ở trên từng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì người tiêu dùng thường chi tiêu mạnh tay hơn khi giá dầu rẻ.
Tuy nhiên tình thế hiện nay đang bị đảo ngược. Bên thắng cuộc, người tiêu dùng Mỹ đang dùng số tiền dư dả để trả nợ trong khi bên thua cuộc như Nga và Ả Rập Xê-út đang cắt giảm mạnh đầu tư và chi tiêu công.
Nếu điều này tiếp diễn, kinh tế thế giới sẽ suy yếu do xu hướng chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Như vậy, giá dầu giảm không thúc đẩy tăng trưởng như chúng ta đã nghĩ.
Giá dầu thấp sẽ làm giảm tốc độ cải tiến trong lĩnh vực năng lượng sạch?
Giá dầu càng rẻ, động lực tiết kiệm nhiên liệu càng thấp. Trong dài hạn tác động này càng trở nên rõ ràng. Như vào cuối thế kỷ 18, những thợ gốm ở Anh thường sử dụng công nghệ đốt lò có từ thời kỳ đồ đồng vốn rất lãng phí nhiên liệu. Lý do là giá nhiên liệu rẻ.
Gần đây, David Popp, một nhà kinh tế ở Đại học Syracuse (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu tác động của cú sốc tăng giá dầu trong thập niên 1970. Ông phát hiện thấy chính trong bối cảnh này mà các nhà khoa học đã nghĩ ra nhiều phát minh tiết kiệm nhiên liệu như pin năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên không phải lúc nào sự sụp đổ của giá dầu cũng cản trở quá trình cải tiến công nghệ trên thị trường năng lượng. Quy mô sản xuất dầu đá phiến từ kỹ thuật cắt phá thủy lực ở Mỹ có thể giảm nhưng công nghệ mới này vẫn sẽ phát triển.
Như kinh tế gia trưởng của BP, Spencer Dale đã chỉ ra, cắt phá thủy lực không giống như các dự án khoan dầu trong quá khứ mà có nhiều đặc tính của ngành sản xuất hơn: rẻ, tinh gọn và có thể nhân rộng.
Giá dầu thấp sẽ không thể đảo ngược quá trình này và hiệu suất khai thác dầu sẽ tiếp tục tăng. Hy vọng về giá năng lượng mặt trời ngày càng rẻ cũng là khả thi do pin mặt trời không cạnh tranh trực tiếp với dầu và việc triển khai công nghệ này sẽ ngày càng phổ biến với mức giá thấp hơn.
Dù vậy, khi giá dầu rẻ con người có xu hướng sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch này vô tư hơn và đó sẽ là triển vọng u ám cho công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, giá dầu thấp còn đem lại một số tác động ít người biết đến. Charles Courtemanche, một nhà kinh tế trong lĩnh vực y tế ở Đại học Bang Georgia (Mỹ) đã phát hiện thấy mối tương quan giữa giá xăng thấp và tỷ lệ béo phì cao ở Mỹ.
Đó là vì khi giá dầu cao, mọi người thường không lái ô tô mà đi bộ, đi xe đạp hoặc dùng phương tiện công cộng. Mặt khác, giá xăng rẻ làm tăng khả năng chi tiêu của các gia đình vào việc ăn uống ở nhà hàng. Vì thế giá dầu thấp có thể làm tăng tỷ lệ béo phì.