GDP năm 2016 có thể đạt khoảng 6,7-6,8%
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo, năm 2016 tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục cải thiện so với năm 2015, tuy nhiên, mức độ cải thiện sẽ thấp hơn năm qua, đạt khoảng 6,7-6,8%.
Theo NFSC, mức dự báo trên được đưa ra dựa vào những yếu tố sau:
Tỉ lệ đầu tư toàn xã hội đạt 31% GDP, mặc dù đầu tư từ NSNN dự báo giảm xuống 10,5% GDP năm 2016, nhưng do khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân cao hơn nên chỉ tiêu này vẫn có thể đạt được.
Điều này là nhờ tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, cơ hội từ việc ký kết TPP sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính lành mạnh hơn, nâng cao khả năng cung tín dụng cho khu vực tư nhân.
Xuất khẩu tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn. Trong khi đó, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các luật mới liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh giúp cải thiện năng suất tổng hợp của nền kinh tế.
Hơn nữa, TPP cũng tạo ra sức ép buộc Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính minh bạch trong quản lý của Nhà nước, từ đó nâng cao năng suất của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Lạm phát cơ bản vào khoảng 3%
Theo NFSC, những nhân tố tác động đến lạm phát 2016 là: Giá hàng hóa thế giới được dự báo tiếp tục giảm giúp giảm giá hàng hóa tiêu dùng cũng như chi phí sản xuất trong nước.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định trong 3 năm gần đây (2013-2015) giúp ổn định tâm lý lạm phát của dân chúng.
Tổng cầu năm 2016 có phần tăng khá hơn 2015, qua đó tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng không lớn và trong phạm vi kiểm soát, ngay cả khi tính đến tác động của tăng lương công chức trong năm 2016.
Tổng hợp các yếu tố trên và chưa tính đến tác động của điều chỉnh chính sách (về giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỉ giá), NFSC dự báo năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%.
Ngoài ra, NFSC cũng dự báo nhập siêu trong năm 2016 sẽ tăng lên 4 tỉ USD, cao hơn so với mức 3,2 tỉ USD ước tính trong năm 2015.
Thu ngân sách có thể đạt dự toán
Về cân đối ngân sách và nợ công, NFSC cho rằng, năm 2016, dự báo thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể đạt dự toán do kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, sản xuất kinh doanh cải thiện, xuất khẩu tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, thu NSNN cũng đối diện với một số khó khăn như giá dầu thế giới có tiếp tục giảm xuống dưới 40 USD/thùng; tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế xuất theo cam kết quốc tế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình. Trong khi đó, chi NSNN vẫn phải duy trì để đảm bảo chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh xã hội.
NFSC lưu ý, năm 2016, quy mô nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN dự báo tiếp tục tăng so với năm 2015 do việc phát hành trái phiếu quốc tế (3 tỉ USD) để tái cơ cấu nợ trong nước đến hạn. Lý do nữa là việc tăng giải ngân ODA để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội (31% GDP) cho tăng trưởng.