EVN, giá điện và thu nhập đầu người ở Việt Nam

26/01/2015 14:21 PM |

Việc giá điện ở mức thấp so với một số nước là đúng. Tuy nhiên, so sánh và vin vào lý do trên để tăng giá sẽ là khập khiễng nếu bỏ qua chỉ số mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam so với các nước.

Giá điện rẻ hay đắt?

Phương án tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được đưa ra trong năm 2014 với mức tăng dự kiến sẽ khoảng 9,5% so với giá bán hiện hành, từ mức 1.508,85 đồng/kWh lên 1.652,19 đồng/kWh.

Theo tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh sau cuộc họp của các thành viên Tổ công tác liên ngành 4 Bộ về điều hình kinh tế vĩ mô diễn ra mới đây, nhu cầu tăng giá rất rõ ràng nhất là trong lúc lạm phát giảm mạnh do giá xăng dầu nhưng giá điện tăng sẽ được bàn tới sau Tết.

Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, vấn đề tăng giá điện đã được đề cập từ lâu vì giá điện Việt Nam hiện thấp hơn các nước rất nhiều.

Đây cũng là quan điểm được đại diện EVN đưa ra tại nhiều cuộc họp báo và cho rằng việc giá điện ở mức thấp như hiện nay không thu hút được đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia sản xuất nguồn điện và tạo thị trường điện cạnh tranh.

Với mức giá 1.508,85 đồng/kWh như hiện tại, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho biết, giá điện Việt Nam đang tương đương 7 cent Mỹ/kWh trong khi Australia là 22-46,56 cent Mỹ/kWh, Đức là 31,41 cent Mỹ/kWh, Ấn Độ là 8-12 cent Mỹ/kWh, Indonesia là 8,75 cent Mỹ/kWh, Nhật Bản là 20-24 cent Mỹ/kWh, Malaysia là 7,09-14,76 cent Mỹ/kWh, Philippines là 30,46 cent Mỹ/kWh…

Như vậy, việc giá điện ở mức thấp so với một số nước là đúng. Tuy nhiên, so sánh và vin vào lý do trên để tăng giá sẽ là khập khiễng nếu bỏ qua chỉ số mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam so với các nước.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2013 thu nhập đầu người của Việt Nam là 1.911 USD/người/năm, trong khi Australia là 67.458 USD/người/năm, Đức là 46,269 USD/người/năm, Nhật Bản là 38.634 USD/người/năm.

Đặc biệt, các nước cùng khu vực ASEAN với giá điện xấp xỉ Việt Nam nhưng có thu nhập cao gấp nhiều lần Việt Nam là Indonesia là 3.475 USD/người/năm, Malaysia là 10.538 USD/người/năm…

Biểu đồ giá điện của Việt Nam (Nguồn: EuroCham).

Biểu đồ giá điện của Việt Nam (Nguồn: EuroCham).

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam trong trả lời phỏng vấn mới đây với Vnexpress đã coi giá điện tại Việt Nam là một trong những chi phí đắt đỏ bên cạnh chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu.

“Điện ở Việt Nam cũng đắt hơn các nước lân cận nếu tính trên thu nhập đầu người”, bà Patricia Marques nói.

Phải xem xét lại yếu tố đầu vào

Ngoài lý do giá điện đang ở mức thấp, lãnh đạo EVN từng cho biết, giá thành bán điện hiện hành chưa được tính toán các chi phí đầu vào như giá than, khí, thuế, tài nguyên nước tăng... Do đó, EVN đã đề xuất bổ sung chi phí vào giá thành điện.

Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) việc điều chỉnh giá bán điện sẽ dựa trên đánh giá chi phí đầu vào chủ yếu từ 3 nguồn chính là thủy điện, dầu khí, và than. Trong khi nguồn nước thủy điện đã thuận lợi trở lại, dầu khí đã giảm mạnh, chỉ có nguyên liệu than bán cho các nhà máy nhiệt điện tăng nhẹ.

[Xem thêm] Tăng chi 15.000 tỷ đồng trong 2014, EVN lại tính tăng giá điện?

“Các yếu tố đầu vào cho ngành điện không thay đổi nhiều thậm chí có giảm mà EVN đề xuất tăng giá là bất hợp lý”, ông Long nói.

Kể cả tính thêm chi phí một số thiết bị đầu tư mà ngành điện nhập từ nước ngoài vào thì cũng không thỏa đáng vì tỷ giá trong năm nay được điều hành rất ổn định.

"Theo quan điểm cơ chế thị trường để tăng giá điện, nhất thiết phải xem xét lại các yếu tố đầu vào”, ông Long nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ cuối năm 2013, EVN đã đề xuất tăng giá điện với mức 14% trong năm 2014. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu lạm phát Chính phủ chưa đồng ý cho EVN tăng giá bán lẻ điện.

Theo ông Doanh, trước đó doanh nghiệp nêu lý do tăng giá bán bởi các khoản lỗ từ việc mua khí, than giá cao cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng nay hầu hết chi phí đầu vào đều đã giảm EVN cũng nên tính toán, xem xét lại mức lỗ đã nêu trước đó.

Trong điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay, theo TS. Doanh, giá điện tăng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước do đó EVN cần tăng theo lộ trình mỗi lần điều chỉnh ở mức 3-4% là hợp lý.

"Nếu đề xuất của EVN được thông qua, giá điện tăng ở mức 9,5% sẽ ảnh hưởng để chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước. Mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh, việc tăng giá điện sẽ khiến CPI có thể nhích nhẹ.

CPI ở mức thấp, nguyên nhân do tồn kho lớn, sức mua kém, tổng cầu giảm mạnh việc tăng giá điện ở mức cao thời điểm này sẽ tác động xấu đến khả năng phục hồi sản xuất của nền kinh tế", TS. Lê Đăng Doanh phân tích thêm.

>> Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Giá điện có thể điều chỉnh sau Tết

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM