Đường sắt Việt Nam không muốn “giậm chân tại chỗ”
Kết thúc năm 2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có nhiều bước tiến so với năm trước, nhưng sang năm mới 2015, Tổng Công ty cần tích cực hơn nếu như không muốn “giậm chân tại chỗ”.
Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sáng 31/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong năm qua, ngành Đường sắt đã có những thay đổi rõ rệt. Đầu tiên là việc thay đổi tư duy, đến thay đổi bộ mặt hạ tầng, thái độ nhân viên phục vụ cũng được người dân đánh giá cao hơn.
Doanh thu tăng 11%
Theo số liệu của Tổng Công ty, kết thúc năm 2014, trong lĩnh vực vận tải đường sắt, sản lượng T/Km tính đổi tăng 5,5%, doanh thu tăng 11% so với năm 2013, đáng chú ý doanh thu vận tải hàng hoá tăng đến 26,4%.
Nhờ áp dụng biểu đồ chạy tàu mới, tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ tăng cao, riêng tàu khách Thống nhất đến ga đúng giờ đạt xấp xỉ 100% trong quí 4 năm 2014. Tai nạn giao thông đường sắt giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với việc chính thức khai trương Hệ thống bán vé điện tử ngày 21/11/2014, đã tạo sự thuận tiện cho HK khi mua vé tàu. Hành khách có thể “Mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi” thông qua kết nối Internet, chấm dứt cảnh xếp hàng để mua vé như những năm trước.
Công tác tái cơ cấu cũng đã được VNR thực hiện một cách mạnh mẽ, khẩn trương, quyết liệt. Bộ máy lãnh đạo từ cấp Tổng Công ty đến các đơn vị được đổi mới, sắp xếp lại tổ chức khối vận tải từ 4 đơn vị trước đây (2 công ty vận tải hành khách, 1 công ty vận tải hàng hoá và Liên hiệp sức kéo), còn 2 công ty vận tải và 2 đơn vị này sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV kể từ 1/1/2015.
VNR cũng đã có sự đổi mới đột phá trong tư duy kinh doanh, theo định hướng khách hàng với phương châm “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả”, lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp đồng bộ: Thay đổi hình ảnh nhà ga, đoàn tàu; chấn chỉnh nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga; điều hành các chính sách giá vé, giá cước linh hoạt…; triển khai đồng bộ phong trào thi đua phục vụ khách hàng theo tiêu chí “4 xin, 4 luôn”; nâng cấp, cải tạo hệ thống mái che, cầu vượt, ke ga cao thuận tiện; triển khai công nghệ khử “mùi tàu”; xây dựng Biểu đồ chạy tàu mới (kể cả tàu hàng); đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, hấp dẫn khách hàng... đã góp phần tạo nên những thay đổi đột phá, xây dựng hình ảnh mới ngày càng thuận tiện, thân thiện với khách hàng của ngành Đường sắt.
Cần bứt phá
Theo báo cáo của Tổng Công ty, năm 2014, các sự cố chạy tàu do nguyên nhân khách quan còn nhiều, số vụ trộm cắp tài sản của hành khách và thiết bị đường sắt gia tăng so với năm 2013.
Quy chế quản lý, điều hành kinh doanh nội bộ của Tổng Công ty vẫn còn cứng nhắc, chưa cụ thể; một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra; việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế nên một số vụ việc vi phạm ở cơ sở chưa được phát hiện và xử lý kịp thời; chất lượng tham mưu của một số lãnh đạo, chuyên viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng tăng trưởng 11% vẫn là con số thấp, nếu biết tận dụng cơ hội, kết nối tốt hơn, cải cách tốt hơn thì sẽ cải thiện hơn nhiều.
Việc kết nối của toàn ngành chưa đạt hiệu quả cao, dù hạn chế về mặt hạ tầng là nhìn thấy rõ. Mặc dù đã có những sản phẩm mới như vận tải các toa đông lạnh nhưng nhìn chung vẫn chưa có đột phá. Quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng chưa có chuyển dịch rõ rệt, vẫn "quen đường cũ". Từ cách làm quản lý, bảo trì duy tu vẫn sử dụng quá nhiều nhân công, chưa có đột phá để giảm bớt nhân lực.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng công nghiệp đường sắt đang "giậm chân tại chỗ" và nếu không phát triển công nghiệp đường sắt thì chúng ta không thể kì vọng có tuyến mới, tiêu chuẩn, tạo được sự thay đổi rõ nét của ngành được.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Tổng Công ty sang năm mới cần chú trọng đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh thoái vốn, không chờ đến hết năm mới thoái vốn hết các đơn vị, đồng thời, phải xây dựng nhanh đề án quản lý kinh doanh hạ tầng đường sắt để định hình các tuyến khai thác, giúp các doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng cổ phần hoá triển khai được cục bộ.
>> Thủ tướng: Phải có chuyển biến trong năm 2015
Theo Phan Trang