"Cuộc hôn nhân" giữa Trung Nguyên và Ministop tan vỡ

14/05/2015 16:44 PM | Kinh doanh

Ministop đã tìm đến đối tác đồng hương Nhật Bản là Sojitz.

Cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn Sojitz đã phát ra thông báo về việc chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop sẽ hợp tác với Sojitz trong nỗ lực phục hồi hoạt động của hệ thống này - vốn gần như đình trệ - tại Việt Nam. Đồng thời cho hay Ministop cũng đã chấm dứt việc hợp tác với G7 - đối tác của đơn vị này từ năm 2011.

Hết duyên với G7

Chuyện Ministop chia tay G7 để đến với Sojitz không phải vô cớ. 

Chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 12/2011, Ministop từng tham vọng mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm, thông qua thỏa thuận nhượng quyền thương mại hợp tác với G7, thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.

Tuy nhiên những năm sau đó, trong khi Ministop phát triển tương đối ì ạch thì các đối thủ cạnh tranh khác của Ministop hiện có mặt tại Việt Nam như FamilyMart, Circle K, B's Mart hay Shop & Go đều mở rộng hệ thống khá nhanh chóng. Mô hình cửa hàng tiện lợi 24/24 không còn là món độc quyền của riêng Ministop.

Rõ ràng, sau hơn 3 năm hợp tác, con số 500 đã trở nên quá viển vông, bởi cho đến giờ chuỗi Ministop tại Việt Nam mới vận hành 17 cửa hàng. Kết cục là, cả 2 bên đã đồng ý hủy bỏ việc hợp tác từ tháng 2/2015. Trả lời trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đại diện Trung Nguyên cũng xác nhận điều này.

Ngoài ra, việc những rào cản đối với các doanh nghiệp bán lẻ được gỡ bỏ cũng đẩy nhanh quá trình chia tay G7 để tìm kiếm đối tác khác của Ministop.

Kể từ sau năm 2013, Bộ Công thương đã quyết định bãi bỏ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT, nhằm hạn chế các nhà bán lẻ nước ngoài mở cơ sở thứ hai) đối với các cửa hàng tiện lợi.

Theo đó, Thông tư 08/2013/TT-BCT được Bộ Công Thương ban hành vào năm 2013, quy định “Trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 mét vuông tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng không phải thực hiện quy định về ENT”.

Khi không còn bị khống chế mở điểm bán mới thì việc Ministop chia tay G7 để tìm đến đối tác đồng hương, có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm tại Việt Nam và có tài chính mạnh hơn như Sojitz, là hoàn toàn dễ hiểu.

Vui duyên mới

Sau khi chia tay G7, ​Ministop kì vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Sojitz, một tập đoàn cũng đến từ Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam.

Sojitz là công ty Nhật Bản đầu tiên đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 1986 và đến nay đã có rất nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực ở thị trường 90 triệu dân như logistics, sản xuất và kinh doanh qua một số công ty con, trong đó có công ty bán buôn thực phẩm lớn nhất Việt Nam - Công ty Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hương Thủy và một vài công ty sản xuất khác.

Sojitz cho biết sẽ hợp tác với Ministop với việc thành lập công ty mới vận hành các cửa hàng trong hệ thống. Mục tiêu của dự án là mở 200 cửa hàng trong vòng 3 năm và tiếp tục mở rộng lên con số 800 trong vòng 10 năm.

Ministop và Sojitz đặt mục tiêu mở rộng chuỗi cửa hàng theo mô hình kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi với cửa hàng đồ ăn nhanh, đồng thời tăng cường đẩy mạnh mô hình này để người dùng Việt nhanh chóng đón nhận.

Ngoài ra, Tập đoàn mẹ của Ministop - Aeon, cũng đã có mặt tại Việt Nam với việc vận hành 2 trung tâm mua sắm tại TPHCM và Bình Dương. Bởi vậy, dự án này cũng kì vọng sẽ kết hợp được với các cơ sở kinh doanh hiện tại đặt dưới sự quản lý của Aeon ở Việt Nam như Aeon Mall, CitiMart và FiviMart.

Ministops hiện có 2.532 địa điểm tại nước ngoài tính đến cuối tháng 2/2015, trong đó có Hàn Quốc, Philippines và Trung Quốc, với con số tổng sắp vượt qua số cửa hàng tại quê nhà Nhật Bản là 2.151.

Cái bắt tay này có thể sẽ là mối liên kết khôn ngoan giữa 2 người đồng hương đến từ Nhật là Aeon Group và Sojitz trong quá trình mở rộng kinh doanh của cả hai công ty ở Việt Nam.

Kỳ Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM