Doanh nghiệp sản xuất nhựa: Tự bán hoặc bị mua

12/11/2015 21:29 PM |

Nhiều tập đoàn nước ngoài đang đàm phán để mua lại 100% vốn của hàng loạt công ty nhựa Việt Nam với giá rất cao. Trước sức ép cạnh tranh, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành nhựa đã bán một phần hoặc bán hết cho đối thủ nước ngoài, trong đó có cái tên lớn nhất là SCG Thái Lan.

DN ngành nhựa đã có năm tăng trưởng khá cao cả về doanh số lẫn lợi nhuận. Tuy nhiên, trước mắt còn rất nhiều thách thức khi ngành công nghiệp nhựa của Việt Nam vẫn sản xuất ở trình độ thấp.

Nỗ lực tăng trưởng

Một trong những lý do để ngành nhựa của Việt Nam lọt vào tầm ngắm của các tập đoàn nước ngoài là do triển vọng rất lớn của ngành này. Hiện, tốc độ tăng trưởng của ngành được xếp hàng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.

Theo TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng TP.HCM, về tổng thể, ngành nhựa Việt Nam không yếu thế so với khu vực, với mức tăng trưởng bình quân 20 - 25%/năm, ngay cả Thái Lan, Singapore cũng không cạnh tranh được.

Trong năm 2014, mặc dù thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản chưa được cải thiện nhiều, nhưng kinh doanh của các DN nhựa vẫn khả quan.

Đơn cử, doanh thu thuần năm 2014 của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á đạt 1.108 tỷ đồng, LNST đạt 29,6 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm. Đây cũng là năm thứ hai doanh thu Nhựa Đông Á vượt 1.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), cũng cho biết, năm 2015 là một năm tương đối thuận lợi cho ngành nhựa. Riêng BMP có tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Hiệu quả lợi nhuận khá cao, năm 2014 đạt 481 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm đạt 468 tỷ đồng. Lý do tăng trưởng tốt là đầu ra của thị trường tốt và giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn năm 2014.

Tương tự, LNST của Công ty CP Nhựa Rạng Đông quý I cũng đạt trên 13,5 tỷ đồng, tăng 192,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong cũng cho thấy, LNST 6 tháng đầu năm nay đạt trên 170 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty Đại Đồng Tiến, với lợi thế xuất khẩu, Công ty đang phấn đấu hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu USD, nâng tỷ trọng lên khoảng 40% trong tổng doanh thu, so với hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 20%.

Hiện tại, nhà máy tại Nhơn Trạch đang được mở rộng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm sau. Còn 4 tháng nữa để kết thúc năm tài chính nhưng với tốc độ phát triển hiện tại, ông Cường tự tin xuất khẩu sẽ vượt dự kiến.

Để có được con số tăng trưởng này, ngay trong những năm khó khăn, các DN đã mạnh dạn đầu tư và đổi mới công nghệ, nhằm giữ thế cạnh tranh.

Chẳng hạn, trước đây, Nhựa Đông Á phải nhập khẩu thanh Profile từ châu Âu hoặc Trung Quốc thì hiện đã tự sản xuất được với giá cả hợp lý và chất lượng tương đương.

Hiện tại, Công ty đã hoàn thành việc đầu tư nhà xưởng sản xuất thanh Profile lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 20.000m2, cho phép lắp đặt 30 dây chuyền sản xuất.

Tương tự, Công ty CP Nhựa An Phát cũng đã chuẩn bị kế hoạch xây dựng một nhà máy mới quy mô 37.000 tấn (nâng công suất 83%) với vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Ngày 28/11, BMP cũng sẽ đưa vào hoạt động nhà máy tại Long An, với vốn đầu tư 170 tỷ đồng và đầu tư trang thiết bị trị giá 160 tỷ đồng, nâng sản lượng năm 2016 lên 10%.

Ông Ngân cho biết, việc đầu tư này nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và đón đầu nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng lên 20%.

Trước đó vào tháng 7/2015, Công ty Nhựa Tiền Phong cũng công bố đầu tư hàng loạt máy móc, thiết bị, khuôn mẫu để nâng cao năng lực sản xuất, trong đó có hệ thống sản xuất ống PEHD kích cỡ lên đến 1.200mm của Hãng Battenfeld-Cincinnati (Áo) với trị giá 1,6 triệu euro.

"Miếng bánh ngon"

Theo các chuyên gia trong ngành, dù tăng trưởng khả quan và đầu tư bài bản, nhưng nhìn chung, DN nhựa vẫn chưa hoàn toàn lạc quan vì vẫn phải đối đầu với nhiều thách thức, nhất là khi năm 2016, hàng rào phi thuế quan được dỡ bỏ thì áp lực cho DN trong nước càng lớn.

Trong khi đó, ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã có trình độ sản xuất cao hơn như Thái Lan hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường, Malaysia là nơi cung cấp màng kéo nhựa polyetylen.

Hội Nhựa - Cao su TP.HCM đã khảo sát trong vòng 3 tháng về năng lực sản xuất các doanh nghiệp hội viên tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hai ngành ô tô, xe máy và điện tử, kết quả công bố hồi cuối tháng 12/2014 cho thấy có đến 95% DN không đáp ứng về giá, 90% không đáp ứng được về công nghệ, 90% không đáp ứng về quản trị.

Xét về góc độ cạnh tranh, các DN nhựa hiện vẫn bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, 70% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu nguyên liệu PP tăng từ 2% lên 3% bắt đầu từ ngày 1/1/2016.

Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.

Ông Trịnh Chí Cường chia sẻ, khi thương hiệu nhựa gia dụng Lock&Lock (Hàn Quốc) đầu tư mạnh vào Việt Nam, Đại Đồng Tiến đã nghiên cứu và cho ra hộp nhựa Sina bằng công nghệ Nano Silver để bảo quản thực phẩm lâu hơn và khử mùi tốt hơn.

Tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ vẫn khá chật vật bởi sức ép cạnh tranh với các thương hiệu nhựa gia dụng nước ngoài.

Ở lĩnh vực ống nhựa, vốn có lợi thế là không có sản phẩm nhập ngoại do chất lượng đã đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đây lại là một "miếng bánh ngon" mà các công ty nước ngoài đang muốn nhảy vào dưới hình thức M&A để mở rộng thị phần.

Với các sản phẩm nhựa xuất khẩu, theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa, dù 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 1,5%, đạt 1 tỷ 531 triệu USD nhưng do ảnh hưởng từ sự giảm giá sâu của đồng Euro đã khiến hàng hóa khu vực này xuống thấp, chi phí nguyên liệu giảm theo.

Từ đó, DN ngành nhựa châu Âu tung ra thị trường sản phẩm có giá cạnh tranh, dẫn đến đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bị giảm đáng kể.

Để tạo thế cạnh tranh, theo TS. Đinh Thế Hiển, các DN nên chọn thị trường ngách. Đại Đồng Tiến là một điển hình khi chuyển trọng tâm sang thị trường xuất khẩu và nhóm hàng công nghiệp.

Ông Cường cho biết, thông qua các đối tác từ châu Âu, Đại Đồng Tiến đang sản xuất và gia công đồ chơi trẻ em với các tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt và được bán rộng rãi tại thị trường EU.

Hai nhà máy của Công ty tại quận Bình Tân và KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang sản xuất liên tục suốt cả năm để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khắp thế giới.

Tương tự, Nhựa Đồng Nai đã chọn hướng đi ngách, chủ yếu cung cấp ống cho các công trình cấp thoát nước, nhờ vậy tránh được sự cạnh tranh trực tiếp với Bình Minh, Tiền Phong và Hoa Sen vốn tập trung nhiều vào thị trường dân dụng, có lợi thế về hệ thống phân phối rộng, năng lực sản xuất và tài chính.

Hơn thế nữa, thị trường ống dân dụng tuy có lợi nhuận cao nhưng đã gần như bão hòa với thị phần chi phối của Bình Minh ở miền Nam (50 - 60%) và Tiền Phong ở miền Bắc (70%), cộng với sự gia nhập của Hoa Sen thì việc chuyển thị trường ngách của Nhựa Đồng Nai là một chiến lược hiệu quả.

Theo Lữ Ý Nhi

Cùng chuyên mục
XEM