Đồ hiệu vẫn còn đất sống tại thị trường mới nổi

06/02/2014 15:39 PM |

Các hãng đồ hiệu làm ăn tại các thị trường mới nổi hiện giờ quả thật lâm vào cảnh “kẻ khóc, người cười”.

Các thị trường mới nổi vẫn được xem như mảnh đất làm ăn màu mỡ do ngày càng nhiều các khách hàng “mới giàu” tại đây chuộng các thương hiệu cao cấp phương Tây.
Tuy nhiên, trong năm 2013, khu vực này phải chịu một cú chao đảo mạnh và dòng tiền ồ ạt chảy khỏi đây sau khi Cục Dự trữ liên bang Fed công bố kế hoạch thu hẹp gói kích thích tiền tệ, dẫn đến tình trạng bán tháo vẫn tiếp diễn đến hết tháng 1/2014.
Trong tuần trước, cổ phiếu hãng thời trang Mulberry tụt liền 26% sau khi công ty cảnh báo về khoản lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Mulberry cho biết nhu cầu tụt dốc tại Hàn Quốc là một trong những nguyên do chính dẫn đến thất thu. Công ty cũng cho hay doanh số bán buôn trong năm nay sẽ giảm khoảng 10% so với năm trước.
Tập đoàn đồ hiệu LVMH – cha đẻ của các thương hiệu huyền thoại như Louis Vuitton và rượu Hennessy lại rất lạc quan vào tương lai. 

Cho dù nhu cầu đã chững lại tại Trung Quốc, nhất là đối với rượu làm doanh số rượu dòng cognac sụt giảm mạnh, tập đoàn cho biết họ tin tưởng vào doanh số rượu hồi phục trở lại tại Trung Quốc trong quý IV/2014. 

Thêm vào đó, LVMH cho biết sẽ vẫn tiếp tục tập trung đầu tư vào “những thị trường phát triển nhanh như vậy”.

Đối với phân khúc thời trang, tăng trưởng doanh số của hàng quần áo và đồ da LVMH nhảy 7% trong quý cuối 2013 so với chỉ 3% của quý trước.
Cho dù các hãng đồ hiệu vừa đưa ra những báo cáo lợi nhuận trái chiều, các nhà phân tích vẫn tin tưởng vào một viễn cảnh tươi sáng trong dài hạn.
“Tỷ lệ thâm nhập tại các thị trường mới nổi vẫn còn khá thấp.” Bà Allegra Perry – Giám đốc điều hành tại phòng nghiên cứu hàng cao cấp của Cantor Fitzgerald cho biết.

Nhưng trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng thấp và chính sách cắt giảm chi tiêu vào quà tặng đắt tiền của chính phủ Trung Quốc có thể ảnh hưởng xấu tới các công ty trên.

Trung Quốc đang thực hiện chính sách này một cách mạnh tay, các cuộc điều tra tham nhũng và nhận hối lộ trong một năm trở lại đây đã khiến doanh số rượu cao cấp sụt giảm nặng nề. Nhiều công ty đã phải xem xét lại kế hoạch mở rộng thêm các cửa hàng phân phối.
Chỉ trong 12 tháng qua, cổ phiếu Mulberry tụt 44,91%, con số này là 11,78% đối với LVMH. Các hãng đồ hiệu tại thị trường mới nổi khác cũng chịu chung số phận. 
Cổ phiếu hãng thời trang Hermes có trụ sở tại Paris  đã trượt dốc 5,24% trong năm qua, cổ phiếu hãng đồ uống Remy Cointreau cũng bốc hơi tới 41% trong 12 tháng.
Nhưng bà Perry cho biết cần phải tách bạch rạch ròi giữa thị trường Trung Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc – thành phần vẫn đang ngày càng chi mạnh tay vào việc đi du lịch và mua sắm đồ ngoại để tận dụng thời kỳ đồng USD mất giá.
Quan điểm này cũng được ông Erwan Rambourg – trưởng phòng nghiên cứu khách hàng tại HSBC đồng tình. 
“Đối nghịch với lượng tiêu thụ ảm đạm của Trung Quốc, chúng tôi vẫn khá lạc quan đối với mức độ tiêu thụ của người dân Trung Quốc nói riêng.”
Thậm chí ông cho biết viễn cảnh của thị trường đồ hiệu năm 2014 còn rộng mở hơn so với năm 2013. “Tăng trưởng doanh số năm 2014 sẽ đạt khoảng 9% so với 8% trong năm 2013”.
Tuy nhiên, việc người dân Trung Quốc tăng cường du lịch nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mua đồ hiệu trong lúc đi chơi, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu nội địa.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM