Túng tiền, nhà giàu Hồng Kông cầm cố túi xách hàng hiệu

03/09/2013 13:37 PM | Sống

Nội dung nổi bật:

Hiện tượng giới giàu có Hồng Kông mang các túi xách hàng hiệu đi cầm khi cần tiền gấp đang dần phổ biến vì được cho là ít rủi ro hơn dùng thẻ tín dụng.

Trong khi nhiều nơi đòi phải có xe cộ, nhà cửa, Công ty Yes Lady ở đặc khu này chỉ cần giữ túi xách hàng hiệu của người cầm cố. Công ty Yes Lady cho biết khoảng 20% khách của họ là đàn ông.



Dịch vụ "nóng"

Trong một thành phố có nhiều người ưa xài hàng hiệu, luôn săn tìm những sản phẩm mới nhất, dịch vụ thế chấp bằng túi xách làm ăn rất phát đạt. Công ty Yes Lady hoạt động suốt 4 năm qua. Khi tìm đến đây, khách hàng được phép mượn tới 80% trị giá món hàng; có thể chuộc lại món đồ khi trả tiền nợ cộng 4% tiền lời mỗi tháng, trong vòng 4 tháng. Lần gần đây nhất, công ty nhận 1 chiếc Hermès Birkin với khoản vay 20.600 USD.

Khi nhận được túi xách, Yes Lady sẽ xem xét tình trạng và kiểm tra xem đó có phải là đồ giả hay không. Quá trình thẩm định và đưa tiền chỉ tốn nửa giờ. Công ty thường nhận các sản phẩm của những hãng như Gucci, Chanel, Hermès hay Louis Vuitton. Thỉnh thoảng, họ cũng nhận cả túi xách của Prada. Khoản vay thấp nhất ở Yes Lady là 190 USD và không có giới hạn tối đa. Ðể định giá mỗi chiếc túi, Yes Lady thuê hẳn các chuyên gia từ chuỗi hàng xa xỉ Milan Station.

Công ty Yes Lady cho biết khách hàng của họ thường là những người có tiền song tiền của họ "bị giam" trong cổ phiếu hay các khoản tiết kiệm ở ngân hàng, không thể rút ra ngay khi cần gấp. Bất cứ khi nào thiếu tiền, bà nội trợ 30 tuổi Maggie Wong chỉ cần mang túi xách hàng hiệu của mình đến văn phòng tín dụng để cầm cố. Năm ngoái, cô đã vay 3 lần với tổng số tiền là 1.290 USD. "Tôi không muốn thực hiện các thủ tục phức tạp tại ngân hàng" - Wong nói.

Rủi ro tiềm ẩn

Phần lớn người đến giao dịch tại Yes Lady đều trả tiền rất nhanh và nhận lại được tài sản của mình. Nói như vậy không có nghĩa ngành kinh doanh này không gặp rủi ro. The Wall Street Journal dẫn lời Irene Chu, một quản lý của Yes Lady, tiết lộ rất nhiều khách hàng đã mang túi giả đến. "Chúng tôi không thể hiện rằng chúng tôi biết đó là đồ giả. Sau đó, khéo léo từ chối vụ cầm cố ấy. Có người mang tới hơn 40 chiếc Gucci một lúc và nhận được 38.000 USD" - cô Chu nói.

Với một số khách hàng, cách đi vay này còn ít rủi ro hơn là dùng thẻ tín dụng vì không bị buộc phải trả tiền và ghi vào lịch sử tín dụng cá nhân. Angel Yam, một nhân viên văn phòng ở Hồng Kông, cho biết cô chẳng quan tâm liệu có lấy lại được chiếc Channel mới thế chấp để vay 1.550 USD hay không.

"Tôi có quá nhiều túi ở nhà, khoảng 40 chiếc gì đó. Do đó, có mất vài cái cũng chẳng sao" - Yam nói.
Hồng Kông là thiên đường mua sắm túi xách hàng hiệu với khách du lịch và người dân địa phương khi thuế suất ở đây chỉ bằng 0%. Theo bản cáo bạch của Milan Station năm 2011, Hồng Kông có khoảng 174 cửa hàng bán đồ xa xỉ với doanh thu túi xách dự kiến đạt 4,1 tỉ USD năm 2014

Theo Gia Hòa

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM