'Độ' cân móc túi khách hàng

25/01/2016 08:32 AM |

Gần Tết, việc mua sắm của người dân dường như hối hả và đây cũng là lúc nhiều nơi bán hàng bằng cân gian “lên ngôi”. Trong khi đó, các giải pháp của cơ quan chức năng như đặt cân đối chứng tại các chợ gần như không hiệu quả.

Độ cân tràn lan

Trong vai tiểu thương muốn “độ” cân để nhập hoa quả, PV Tiền Phong đến 2 cửa hàng sửa cân trên phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều bị từ chối.

Ngày hôm sau, nhờ mối quen, chúng tôi gặp một chủ cửa hàng sửa chữa, bán cân ở phố Thuốc Bắc đon đả: “Giá độ cân 70.000 đồng/lần. Nhập hoa quả chỉ nên độ 1 kg còn 8 lạng, độ nhiều hơn, dễ bị khách phát hiện. Nếu chị đồng ý để cân ở đây, ngày mai quay lại lấy”.

Khi quay lại, quả cân 1kg đặt lên chiếc cân chỉ còn 800 gam.

Rời phố Thuốc Bắc, chúng tôi đem chiếc cân đã độ thiếu 200 gam, đến “lò” độ cân ở xã Đan Phượng (Đan Phượng, Hà Nội). Sau khi đặt quả cân 1 kg lên để kiểm tra, ông T – thợ độ cân cho biết, cân này phải đưa về vị trí cân bằng rồi độ tiếp, giá 120.000 đồng.

Ông T thoăn thoắt dùng tua vít, kìm tháo rời ốc vít, lựa lấy chiếc lò xo ra ngoài. Tiếp theo, ông dùng thước đo lò xo và kéo dãn ra đến độ dài vừa đủ thì dừng lại.

Vừa làm, ông T tư vấn: “Người bán hoa quả thường nhờ tôi độ 1kg còn 8 lạng. Những người bán thịt thì độ ít hơn, 1 kg chỉ ăn gian 0,5 – 1,5 lạng. Người bán hàng rong, ai cũng độ lại cân hết, gặp khách khó tính thì họ thường cân “tươi” thêm chút, để tránh bị phát hiện”.

Sau 10 phút, chiếc cân được lắp lại hoàn chỉnh như ban đầu. Quả cân 1kg đặt lên cân nhảy lên con số 1,2kg.

Sau chúng tôi còn 3 người khách cũng đến ngồi chờ độ lại cân. “Tôi chuẩn bị mở sạp hoa quả ở chợ Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), được mấy chị bán hàng trước chỉ đến đây làm lại chiếc cân, chứ cân đủ, trừ số lượng hoa quả dập thì đâu có lãi nữa”, chị Thảo – một tiểu thương chờ độ cân cho biết.

PV Tiền Phong khảo sát các xe bán hoa quả rong ở tuyến phố Khương Trung, gần chợ Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy tình trạng cân thiếu trọng lượng diễn ra ở hầu hết các quầy.

Sau khi dừng mua 3 kg quả roi đỏ và yêu cầu người bán cân đủ, chúng tôi lấy chiếc cân chuẩn mang theo kiểm tra chỉ được 2,7 kg. Thấy chúng tôi chụp ảnh, tất cả người bán rong quây lại mắng, đuổi đi và không bán.

Khi chúng tôi nói “sẽ báo quản lý thị trường”, người bán hàng rong ở đây tản ra, dắt xe hoa quả tới các địa điểm khác. Trên các tuyến phố khác ở Hà Nội, tình trạng sử dụng cân gian dối xảy ra phổ biến nhất ở nhóm người bán hàng rong.

Cân chuẩn để đối chứng ở các chợ dân sinh đa số gỉ sét, hỏng hết. Ảnh: Q.N.
Cân chuẩn để đối chứng ở các chợ dân sinh đa số gỉ sét, hỏng hết. Ảnh: Q.N.

Đâu rồi “dự án” cân đối chứng?

Để đối phó tình trạng cân gian, Tổng cục đo lường Chất lượng Việt Nam có chương trình đặt cân chuẩn tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh để người tiêu dùng cân đối chiếu, nhưng hầu hết không hiệu quả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội), hầu hết các tiểu thương và người tiêu dùng cho biết, chưa nghe đến việc có cân kiểm tra đặt trong chợ.

Theo đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Ngã Tư Sở, trước đây, trong chợ có đặt cân chuẩn để kiểm tra nhưng lâu ngày khiến cân rỉ sét, hư hỏng, đã vứt đi từ rất lâu.

Tại chợ Khương Trung, cân kiểm tra là loại cân đồng hồ với khối lượng 5kg, được gắn trên ghế gỗ cao chừng 50cm.

Chị Nguyễn Thị Hoa bán hoa quả cho biết, trước đây cân đặt trước phòng của BQL chợ để người dân cân kiểm tra. Gần đây, do phòng của BQL đang sửa lại, cân được cất trong nhà, cán bộ về hết rồi.

Tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cân kiểm tra được đặt trong hộp kính, trên cổng vào chợ. Chị Lê Thị Na bán hàng cạnh nơi đặt cân cho biết, trước đây có nhiều người sử dụng cân để kiểm tra trọng lượng lượng hàng mua.

Khoảng 4 tháng gần đây, cân không còn chính xác, không ai sử dụng nữa. Theo quan sát của PV, chiếc cân rỉ sét nằm trơ trọi. Xung quanh nơi đặt cân trở thành “kho” để quang gánh, bao tải của người bán hàng rong.

“Trước đây, cân điện tử bị hư hỏng, bây giờ BQL thay bằng chiếc cân đồng hồ để người dân đối chứng xem tiểu thương có gian lận hay không. Việc đặt cân là để người tiêu dùng phát hiện tiểu thương gian dối thì tẩy chay là chính, còn chưa có văn bản nào quy định việc chúng tôi xử lý”, thành viên BQL chợ Hôm cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cần vào cuộc dẹp nạn cân gian dối, tránh để người tiêu dùng chịu thiệt.

Việc lắp đặt cân kiểm tra tại chợ dân sinh rất phù hợp, là biện pháp giúp người tiêu dùng bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng cần xem lại cách quản lý, sử dụng cân này, tránh để hư hỏng, lãng phí.

Theo Nghị định 80/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì: “Hành vi sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường hoặc tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo sẽ bị phạt từ 200.000 đến 600.000 đồng nếu phương tiện đo có giá trị nhỏ hơn 1 triệu đồng hoặc từ 2 triệu đến 10 triệu đồng nếu phương tiện đo có giá trị từ 1 triệu đến 30 triệu đồng”.

Theo Quỳnh Nga

Cùng chuyên mục
XEM