Dệt may, da giày mất hơn 1,4 tỷ USD tiền thuế vào Hoa Kỳ
Số tiền thuế mà các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày phải đóng tại Mỹ lớn hơn tiền thuế của tất cả các nước trong TPP phải đóng khi xuất vào thị trường này.
Đó là thông tin được ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) và là trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đưa ra.
Đàm phán dệt may là một trong những nội dung chính được quan tâm nhiều nhất trong thương mại hàng hóa của TPP. Mỹ hiện nay vẫn là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, khi 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,88 tỷ USD, tăng 11,7%, theo Tổng cục Hải quan.
Bởi vậy, ông Thái cho biết Việt Nam quan tâm nhất đến việc mở cửa thị trường hàng hóa như thế nào. Do đó, TPP được đánh giá là hiệp định đầu tiên, quy mô lớn đặt ra quyết tâm mở cửa thị trường hàng hoá mức cao, với tham vọng sẽ mở cửa 100% ở một số nước.
Trong lĩnh vực hàng hóa, dệt may được quan tâm nhiều nhất khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước trong TPP rất lớn, điển hình là Mỹ, Nhật Bản… Do đó, những rào cản mà các nước áp dụng với hàng Việt Nam rất cao, đã khiến cho hàng xuất khẩu dệt may bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Dẫn chứng, hiện số tiến thuế nhập khẩu mà các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phải đóng tại thị trường Hoa Kỳ lên tới 1,17 tỷ USD; giày dép phải đóng hơn 300 triệu USD. Theo Phó trưởng đoàn đàm phám TPP, mức tiền thuế mà Việt Nam phải đóng cho Hoa Kỳ lớn hơn tất cả các nước trong TPP.
“Do đóng nhiều thuế nên đoàn đàm phán quyết tâm bãi bỏ rào cản và yêu cầu Hoa Kỳ đưa thuế về 0%, hiện có dòng thuế trên 30% và mức thuế trung bình của dệt may hiện nay là 17%” – ông Thái nói.
Đến nay, đàm phán TPP đã đạt được những thỏa thuận về dệt may mà Việt Nam đặt ra. Theo đó, hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặt dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn.
Để được hưởng thuế quan, TPP cũng đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ làm “từ sợi trở đi” nhằn ngăn chặn việc các nước lân cận tận dụng Hiệp định để đưa hàng vào Việt Nam và xuất sang các nước này. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho Việt Nam khi chưa đáp ứng đủ nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, TPP đặt ra cơ chế linh hoạt về “nguồn cung thiếu hụt” và một số cơ chế khác.