Đến bầu Đức cũng nản

03/05/2013 10:42 AM |

Cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch VFF bỗng “lặng” đi khi xuất hiện trở lại một ứng viên, đó là thứ trưởng bộ Văn hoá – thể thao – du lịch, ông Lê Khánh Hải. Có vẻ như sau khi “đo nhiệt” thấy ông phó tổng cục trưởng tổng cục Thể dục thể thao Trần Văn Tuấn khó bề cạnh tranh với ông Lê Hùng Dũng, cơ quan chủ quản của ông Tuấn đã quyết định thay người.

Việc “thay ngựa giữa dòng” khiến nhiều đội bóng đánh giá đây là “chiêu độc” trong cuộc chạy đua tìm người là chủ chiếc ghế chủ tịch VFF. Ban đầu, theo chính thông tin được phát ra từ VFF, ông Lê Khánh Hải đã xin rút và chính vị ứng viên này tỏ ra không mặn mà gì chiếc ghế chủ tịch VFF. 

Ngoài những lý do cá nhân, lý do lớn nhất chính là ông Hải không am hiểu gì về việc làm bóng đá. Nghĩa là, nếu ông Hải làm chủ tịch VFF, thì hoạt cảnh liên đoàn Bóng đá Việt Nam được chỉ đạo bởi một người nhà nước và chẳng có tí chuyên môn nào như thời ông Nguyễn Trọng Hỷ, một người xuất thân từ bộ môn bóng rổ, sẽ tái diễn.

Câu hỏi đặt ra là, nếu ông Hải không thật sự có nhiệt huyết mà chỉ ra ứng cử theo sự giới thiệu của bộ Văn hoá – thể thao và du lịch, nếu đây là cuộc đua tranh bỏ phiếu công bằng thì có gì phải ngại. 

Nhưng, cái lý mà các đội bóng tỏ ra e ngại, nếu không nói là lo sợ chính là việc họ không còn cơ hội để bỏ tấm phiếu của mình để chọn “minh chủ” đúng như lần ông Hỷ lên làm chủ tịch VFF. 

Họ sợ cuối cùng ông Hải sẽ được một mình một ngựa về đích bởi ông Lê Hùng Dũng đã thổ lộ cái khó của mình là phải sinh hoạt có tổ chức, và rằng nhiều khả năng ông sẽ xin rút lui nếu phải đối đầu với một thứ trưởng. 

Chính ông Nguyễn Trọng Hỷ, người đang giữ ghế chủ tịch VFF, cũng xác nhận rằng chuyện ứng cử vào chức danh chủ tịch VFF không hề đơn giản. Ông Hỷ cho biết: “Tất cả các ứng viên tranh cử đều cần phải có sự xác nhận của cơ quan chủ quản và tiến hành xác minh lý lịch pháp lý. Thứ trưởng Lê Khánh Hải để được ứng cử sẽ phải được phê duyệt của Ban bí thư, trong khi phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cần xin ý kiến Thường vụ Thành uỷ TP.HCM”.

Việc ông Hải hay ông Dũng sẽ trở thành chủ tịch VFF trong cuộc bầu cử lần này càng trở nên quan trọng hơn khi mà nó sẽ quyết định đến nguồn tài trợ cho VFF trong những năm tới và sự hào hứng của các doanh nghiệp làm bóng đá.

Theo đúng lịch trình, sau những ngày nghỉ lễ, đầu tháng 5 này VFF sẽ phải bàn bạc đáo hạn hợp đồng tài trợ với ngân hàng Eximbank, nơi ông Dũng đang làm chủ tịch hội đồng quản trị. Hiện Eximbank đang là nhà tài trợ lớn nhất cho bóng đá Việt Nam, họ tài trợ cả giải V-League, hạng nhất và cúp Quốc Gia. Rất khó nói, trong trường hợp ông Lê Hùng Dũng rút lui, Eximbank liệu có tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam hay không.

Bầu Đức cũng đã nói thẳng: “Hãy trả bóng đá lại cho bóng đá, điều hành liên đoàn Bóng đá Việt Nam, là một tổ chức xã hội, thì đâu nhất thiết cứ phải là người nhà nước cử qua làm gì”. 

Ông Đức cũng nói về những khó khăn khi một người không am hiểu, không quan tâm bóng đá Việt Nam được đặt vào chiếc ghế điều hành, thì bóng đá Việt sẽ lao đao thế nào, bằng chứng là sự suy thoái hiện nay. 

Khi được đề nghị nói thẳng về lựa chọn của mình, bầu Đức tuyên bố ông và nhiều doanh nghiệp làm bóng đá khác chọn ông Dũng bởi đơn giản “ông Dũng “ăn nằm” với bóng đá bấy lâu nay nên dễ nói chuyện hơn, hiểu về bóng đá cũng tốt hơn”. 

Và ông bầu nổi tiếng thẳng tính này cũng thú thật: “Tôi tôn trọng thứ trưởng Lê Khánh Hải, nhưng tôi biết anh ấy đã nhiều lần từ chối ra ứng cử, anh ấy đã không thật sự tâm huyết với chuyện làm bóng đá thì ép làm gì. Nếu anh Hải làm chủ tịch VFF trong tâm trạng như vậy thì những thành viên của VFF là các đội bóng như chúng tôi sẽ có cảm giác như thế nào? Riêng tôi, nói thẳng là tôi nản”.

Có vẻ như việc bầu cử vào chiếc ghế chủ tịch VFF đã đến lúc cần dân chủ hơn bởi bóng đá Việt đang sống bằng hơi thở của các doanh nghiệp, bằng sự hào hứng của họ chứ không chỉ bằng các chỉ thị, quyết định bất chấp sự phản ứng.

Theo Tất Đạt

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM