Đây là lý do khiến sinh viên Việt Nam ngày càng khó xin được học bổng du học
Một số chuyên gia cho rằng việc Việt Nam thoát khỏi vị trí nước có thu nhập thấp có thể khiến tình trạng xin trợ cấp của nhiều sinh viên gặp khó khăn hơn trước khi các trường học quốc tế chuyển sự tập trung hỗ trợ tài chính cho các học sinh của quốc gia nghèo hơn.
Hỗ trợ tài chính (Financial Aid) là khoản tiền do nhà trường hoặc chính phủ trả cho sinh viên, liên quan đến những khoản chi phí như học phí, tiền thuê phòng học, các dụng cụ học tập và một số chi phí khác. Mục đích của những chương trình trên là nhằm hỗ trợ việc học tập của các sinh viên.
Việc phân loại hỗ trợ tài chính dựa chủ yếu trên 2 tiêu chí là thành quả học tập, giá trị tiềm năng của sinh viên và mức độ cần thiết hỗ trợ của sinh viên để có thể học tập tiếp. Dựa theo 2 tiêu chí trên, hỗ trợ tài chính bao gồm nhiều loại như học bổng (Scholarship), trợ cấp (Grant Aid), khoản vay lãi suất thấp (Loan) và một số loại hình khác.
Những loại hỗ trợ tài chính như học bổng thường được cấp cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, có tài năng đặc biệt hay những tố chất mà các trường đại học hoặc tổ chức tài trợ cần. Tại Mỹ, nhiều trường đại học hoặc tổ chức cấp học bổng cho sinh viên dù người đó không có nhu cầu hay đề nghị cấp học bổng nào.
Trong khi đó, trợ cấp tài chính lại chỉ hỗ trợ sinh viên tùy thuộc vào nhu cầu tài chính của họ. Thông thường, học sinh sẽ phải làm thủ tục xin trợ cấp tài chính và số tiền được cấp sẽ phụ thuộc vào tình hình thu nhập của gia dinh sinh viên trước khi đi học mà không liên quan quá nhiều đến các yếu tố khác như thành tích học tập, tài năng hay năng lực cá nhân.
Loại trợ cấp học bổng này thường bắt đầu từ nhu cầu của sinh viên muốn theo học một trường nào đó nhưng không đủ hoặc có khó khăn về tài chính. Hơn nữa, các điều khoản và quy định để được nhận trợ cấp tài chính cũng sẽ khắt khe hơn so với học bổng.
Phân loại học bổng
Tại Mỹ, học bổng thường được chia làm 4 loại chính. Đầu tiên là loại học bổng dành cho những sinh viên đạt được thành tích tốt trước khi theo học tại trường cấp học bổng. Những thành tích này có thể là giải thưởng từ các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi hay bài kiểm tra. Hầu hết những học bổng này được các tổ chức tư nhân hoặc chính nhà trường xây dựng và thường được khấu trừ vào chi phí học tập hơn là trả bằng tiền cho sinh viên.
Loại học bổng thứ 2 thường được phân loại tại Mỹ là học bổng dành cho những trường hợp đặc biệt, liên quan đến giới tính, dân tộc, tôn giáo hoặc thâm chí là tình trạng sức khỏe. Quỹ học bổng Gates Millennium Scholar của vợ chồng tỷ phú Bill Gates là một tổ chức chuyên xem xét học bổng cho những sinh viên xuất sắc người Mỹ gốc Phi, gốc Ấn Độ, gốc Châu Á và Latinh muốn theo học đại học.
Học bổng theo nghề là loại học bổng thứ 3 thường xuất hiện tại Mỹ. Loại học bổng này được thành lập nhằm khuyến khích các sinh viên theo học những ngành nghề chuyên sâu, hoặc thuộc lĩnh vực đang thiếu nhân lực như giáo dục và y tá. Rất nhiều trường đại học ngành y tá ở Mỹ có học bổng toàn phần nhằm thu hút các học sinh có ý định làm việc trong các lĩnh vực đang thiếu nhân lực.
Cuối cùng, học bổng thể thao cũng là một loại phổ biến tại Mỹ khi nhiều học sinh có tố chất và thành tích thể thao tốt được trao học bổng nhằm tham gia đội tuyển của trường. Do thi đấu thể thao giữa các trường đại học Mỹ khá phổ biến nên mục đích chính của loại học bổng này là thu hút những nhân tài cho đội tuyển của trường.
Mặc dù vậy, học bổng thể thao đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ khi nhiều người cho rằng đây không phải là mục tiêu chính của các trường đại học.
Tuy việc phân loại này khiến nhiều người có định hướng rõ ràng hơn khi muốn xin học bổng, nhưng điều này cũng gây nhiều tranh cãi trong xã hội Mỹ. Nhiều người cho rằng sinh viên nhận được học bổng nhờ tài năng có “đẳng cấp” cao hơn so với những sinh viên nhận loại học bổng khác.
Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy người dân Mỹ đánh giá quá cao các học sinh nhận học bổng nhờ tài năng hoặc thành tích mà xem nhẹ các sinh viên theo học nhờ loại học bổng khác.
Trợ cấp tài chính
Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tài chính tại Mỹ có thể làm đơn xin trợ cấp liên bang (FAFSA) nhằm xin được giúp đỡ khi theo học một trường nào đó. Sau khi đơn của sinh viên đã được chính phủ xét duyệt và chấp nhận, học sinh đó sẽ phải làm việc với trường học để biết mình được trợ cấp bao nhiêu tiền và khi nào thì được nhận.
Thông thường, chính phủ Mỹ và các trường học sẽ xem xét kỹ lưỡng hoàn cảnh học sinh và tình hình tài chính trước khi ra quyết định cuối cùng.
Các sinh viên được trợ cấp về tài chính có khả năng phải hoàn trả khoản tiền này nếu họ bỏ dở chương trình học hoặc vi phạm các quy định trong điều khoản để được nhận trợ cấp. Mặc dù vậy, khác với chương trình cho vay lãi suất thấp của chính phủ Mỹ, những sinh viên được nhận trợ cấp tài chính không cần hoàn trả nếu họ hoàn thành các khóa học của mình.
Thông thường, chính phủ Mỹ không cấp hỗ trợ tài chính cho các sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, nhiều trường đại học của nước này vẫn có các chương trình hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài, bao gồm cả học bổng và trợ cấp tài chính.
Ngoài ra, Mỹ còn có một chương trình hỗ trợ tài chính dành cho tất cả các học sinh, từ có thành tích tốt đến có nhu cầu học nhưng không đủ tiền hay thậm chí cả những sinh viên quốc tế (Need Blind Admissions).
Loại chương trình này không quan tâm đến tình hình tài chính của học sinh khi quyết định cấp hỗ trợ. Mục đích của chương trình này là để thu hút những nhân tài tiềm năng, qua đó gia tăng chất lượng cũng như uy tín của trường học. Tuy nhiên, các trường học cần có nguồn tài chính lớn để có thể thực hiện loại hỗ trợ tài chính này.
Tại Mỹ hiện nay chỉ có 6 ngôi trường áp dụng được chương trình này là Đại học Amherst, Đại học Havard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Princeton, Đại học Yale.
Việt Nam đang dần khó xin học bổng hơn?
Những trường học và các tổ chức tư nhân thường có những chương trình hỗ trợ tài chính đặc biệt cho học sinh, sinh viên của nước nghèo. Đây là một phần lý do khiến việc xin học bổng và trợ cấp tài chính tại những quốc gia được ghi nhận có thu nhập thấp thường có tỷ lệ thành công cao hơn so với nhiều nước khác.
Tất nhiên, thành tích học tập và thái độ cầu tiến của những sinh viên nước nghèo cũng là một phần nguyên nhân khiến các trường hay xem xét cấp học bổng cho các học sinh quốc tế.
Theo báo cáo tổng quan của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã thoát khỏi vị thế của những nước có thu nhập thấp, dưới khoảng 100 USD, thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trên 2.000 USD vào năm 2014.
Một số chuyên gia cho rằng việc Việt Nam thoát khỏi vị trí nước có thu nhập thấp có thể khiến tình trạng xin trợ cấp của nhiều sinh viên gặp khó khăn hơn trước khi các trường học quốc tế chuyển sự tập trung hỗ trợ tài chính sang các học sinh của quốc gia nghèo hơn.
Nhiều trường đại học danh tiếng quốc tế có khả năng sẽ giảm chỉ tiêu trợ cấp và chuyên xét duyệt học bổng tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sinh viên.