“Mù tài chính": Chính sách giúp kéo chất xám toàn thế giới chảy về nước Mỹ

10/11/2015 14:19 PM | Kinh doanh

Các trường đại học Mỹ thường được biết tới với những chính sách học bổng vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, lòng tốt thường đi kèm với mục đích...

Có một thực tại đang diễn ra, đó là cơ hội tiếp thu và mở mang kiến thức của những sinh viên ưu tú trên toàn thế giới đang phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ hay các trường đại học nổi tiếng tại các quốc gia phát triển.

Hằng năm, tỷ lệ sinh viên được nhận vào Princeton, Harvard, Yale, MIT, Stanford hay Cambridge luôn dưới con số 10% trên tổng số các ứng viên đến từ cả bản địa và quốc tế.

Cụ thể, tỷ lệ đỗ vào Stanford, Princeton, Harvard, Yale lần lượt là 5,07%, 7,28%, 5,9% và 6,26%. Đáng lưu ý hơn, đây là các trường đại học hỗ trợ chính sách “mù tài chính (need - blind) được biết đến từ năm 2007. Tuy vậy, lượng sinh viên được nhận vào trường vẫn rất thấp nhưng lại góp phần mang đến những khoản lợi nhuận khổng lồ mỗi năm cho những đại học danh giá trên.

Chính sách “mù tài chính” là một khái niệm không còn xa lạ với các sinh viên đang có ý định đi du học tại Mỹ, tuy nhiên liệu hình thức hỗ trợ này có thực sự mang mục đích nhân văn và thực sự đem lại cơ hội cho các tài năng trẻ muốn trau dồi tại đất nước có ngành giáo dục tốt nhất trên thế giới hay không?

Chính sách “mù tài chính” là gì?

Chính sách “need – blind” được hiểu nôm na là khi xét đơn xin nhập học, nhà trường không cần biết là gia đình và bản thân ứng viên có đủ tiền để trả học phí, ăn ở, sách vở,…hay không, nói cách khác là việc ứng viên có nộp đơn xin tài trợ không ảnh hưởng gì đến việc ứng viên được chấp nhận vào học. Sau khi một ứng viên được chấp thuận thì nhà trường mới xem thử ứng viên ấy có nộp đơn xin hỗ trợ tài chính hay không.

Nếu không, nghĩa là ứng viên ấy đủ tiền để trả mọi chi phí. Nếu có, nhà trường căn cứ thu nhập của gia đình, của bản thân ứng viên và hoàn cảnh sống của gia đình (kê khai theo các mẫu nhà trường chỉ định) để biết được phần đóng góp của gia đình và bản thân ứng viên trong năm học, thiếu bao nhiêu so với tổng chi phí thì nhà trường bảo đảm có cách tài trợ để ứng viên yên tâm theo học.

Sự tài trợ này là dựa trên nhu cầu tài chính (need – based) để theo học chứ các trường đại học này không cấp học bổng như là phần thưởng cho sinh viên vì học giỏi, hay vì các tài nghệ trong thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa,... như ở các trường khác để thu hút các học sinh tài năng. Chỉ tại các đại học tư và thuộc loại hàng đầu ở Mỹ mới có chính sách tuyển sinh “mù tài chính” này.

Thực tế, nếu bạn có giỏi, có tài năng ngất trời đi nữa mà bạn là con nhà giàu, có đủ tiền để ăn học thì bạn sẽ phải trả mọi chi phí, và nếu bạn có được các cơ quan bên ngoài thưởng tiền hay cấp học bổng thì bạn phải kê khai và đem tất cả vào trường để nhà trường tính lại phần đóng góp của bạn.

Nhờ chính sách mù tài chính mà các đại học hàng đầu này đã tuyển chọn được rất nhiều sinh viên ưu tú của Mỹ và thế giới và đã đào tạo được rất nhiều nhân tài.


Princeton là một trong những trường đại học lâu đời hàng đầu tại Mỹ và áp dụng chính sách mù tài chính cho sinh viên quốc tế

Princeton là một trong những trường đại học lâu đời hàng đầu tại Mỹ và áp dụng chính sách "mù tài chính" cho sinh viên quốc tế

Chính sách này hiện có hiệu lực đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, tuy nhiên chỉ có 5 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ mới áp dụng đối với cả sinh viên bản xứ và quốc tế là Princeton, Harvard, Yale, MIT và Amherst College.

Thoạt nghe, đây thực sự là một chính sách hỗ trợ tuyệt vời và mở ra nhiều cơ hội cho các sinh viên ham học và có tài năng. Tuy nhiên, mọi chuyện liệu có dễ dàng như vậy?

Mặt trái của sự nhân văn

Tiêu chuẩn để được nhận vào các trường đại học hàng đầu tại Mỹ là một điều không thể bàn cãi, bản thân các ứng viên có tiền để trang trải học phí cũng chưa chắc đã được chấp thuận cho học tại đây.

Các tiêu chí thường thấy như điểm GPA thường phải đạt từ 3.8 – 4.0, IELTS 7.5 – 8.0 (tương đương 100 – 110 TOEFL IBT), điểm SAT gần như tuyệt đối so với mức 2400.

Tuy nhiên, đó chỉ là những yếu tố để một sinh viên bình thường, tức là đủ giàu để theo học có thể phấn đấu nếu muốn được nhận vào trường. Còn những trường hợp được áp dụng chính sách “mù tài chính”, trình độ của họ phải cao hơn nhiều và trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe.

Nếu các bạn đòi hỏi tính công bằng ở đây, thì đó là điều không thể. Đối với hai ứng viên có trình độ ngang nhau, đương nhiên các đại học sẽ lựa chọn người có khả năng tài chính tốt hơn. Xét cho cùng, họ không phải là mạnh thường quân mà là các nhà tư bản. Chính vì vậy, muốn được nhận vào trường với gói hỗ trợ trên, bạn phải là một tài năng xuất chúng mà các trường đại học biết rằng, có thể “bóc lột” được sau này.

Không giống như học bổng với các điều kiện rõ ràng, chính sách “mù tài chính” khá mịt mờ về việc các sinh viên có phải làm việc trong quá trình học hay sau khi tốt nghiệp để chi trả khoản học phí đã được tài trợ trước đó hay không. Cho đến nay, các trường đại học cũng không công bố cụ thể lượng sinh viên được nhận hỗ trợ này hàng năm cũng như tình trạng sau khi tốt nghiệp của họ.

Chính vì thế, chúng ta không thể biết được tính từ thời điểm chính sách này có hiệu lực đã có bao nhiêu sinh viên xuất sắc trên thế giới theo học tại các trường đại học hàng đầu nhờ tài trợ này, hay chính xác hơn là các trường đại học tại Mỹ đã “lôi kéo” được bao nhiêu chất xám trên toàn cầu về làm việc cho mình.

Tình trạng “chảy máu chất xám” đang trở nên đáng báo động tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam với nguyên do rất lớn đến từ chính sách này. Theo thống kê tại các trường đại học trên thế giới, nhóm sinh viên đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam luôn vị trí cao trong thành tích học tập so với các học sinh có quốc tịch khác, và phần lớn họ là những người được hỗ trợ tài chính.

Việc đạt được học bổng tại các trường đại học như Princeton hay Yale dường như khó hơn lên trời do số lượng ngày càng hiếm hoi, đặc biệt trong bối cảnh doanh thu từ giáo dục hiện nay đang tăng một cách đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ.

Chính vì vậy, các sinh viên ưu tú nhưng nghèo sẽ cần sự trợ giúp của chính sách “mù tài chính” – kẻ thay thế hoàn hảo cho các học bổng.

Số tiền được bỏ ra để tài trợ cho lượng sinh viên hàng năm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay của các trường đại học quá ít ỏi so với doanh thu và tài sản của họ (Harvard, Stanford, Yale, Princeton và MIT lần lượt là các trường giàu nhất tại Mỹ với tài sản thuần lên tới 43,2 tỷ, 31,6 tỷ, 25,4 tỷ, 21,3 tỷ và 15,2 tỷ USD). Hơn nữa, trong tương lai thành quả lao động của những sinh viên xuất chúng này còn giá trị hơn nhiều so với khoản học phí đắt đỏ trên.

Lòng tốt thường đi kèm với mục đích, đó là lý do tại sao các sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học thàng đầu thường không trở về quê hương làm việc.

Tất nhiên, quyết định chủ yếu đến từ phía họ, nhưng ẩn sau những khuôn viên thơ mộng, những lớp học lâu đời hay thư viện cổ kính lại là những đầu óc kinh doanh và tầm nhìn nhạy bén khác.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM