Cuộc khủng hoảng người tị nạn vừa qua “giá” bao nhiêu?

05/10/2015 13:59 PM |

Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo rằng họ đã phải chi đến 7.6 tỉ USD cho 2,2 triệu dân tị nạn, các nhà kinh tế và những nhà đầu tư mới “giật mình” nghĩ đến những chi phí, và cả những lợi ích, mà châu Âu có thể phải hứng chịu từ dòng người nhập cư khổng lồ.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo rằng họ đã phải chi đến 7.6 tỉ USD cho 2,2 triệu dân tị nạn, các nhà kinh tế và những nhà đầu tư mới “giật mình” nghĩ đến những chi phí và cả những lợi ích, mà châu Âu có thể phải hứng chịu từ dòng người nhập cư khổng lồ.

Tình hình chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Syria và Afghanistan, trong khi Iraq và những vùng khác ở châu Phi lại bất ổn, khiến dòng người đổ vào châu Âu và những nơi an toàn hơn ở Trung Đông đã tăng nhanh trong mấy tháng qua. Theo ước tính của Hội chữ thập đỏ quốc tế, đã có hơn 300.000 người đến châu Âu bằng đường biển trong năm nay, và khoảng 2.500 người đã phải bỏ mạng trong các chuyến đi đó.

Một số nhà phân tích tin rằng về dài hạn, các quốc gia có dân số đang già đi như Đức sẽ được hưởng lợi từ dòng người di cư này. “Trên nguyên tắc, một châu Âu đang già đi nhanh chóng có thể được hưởng lợi lớn từ những người nhập cư trẻ và tương đối có trình độ này, nhưng sự thành công của nhiều quốc gia châu Âu trong việc đưa họ hòa nhập vào xã hội cho thấy rằng những lợi ích về mặt kinh tế như thế không phải là tự nhiên mà có,” báo cáo của các nhà phân tích đến từ tập đoàn Citi viết.

Tuy nhiên, cái giá trong ngắn hạn cho điều này “rõ ràng là rất quan trọng” như lời của Daniel Morris, một chiến lược gia đầu tư cao cấp tại ngân hàng BNP Paribas. “Bạn có thể tưởng tượng được mọi chuyện sẽ khó khăn như thế nào khi chúng ta bước vào mùa thu và mùa đông không? Bây giờ thời tiết là còn chịu được nhưng cứ thử hình dung tình hình sẽ như thế nào vào tháng 12 đi,” ông nói.

Alistair Newton, giám đốc của quỹ tư vấn kinh doanh Alavan, cũng chia sẻ với ý kiến trên: “Chúng ta sẽ bước vào thời kì dài đầy khó khăn, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn và nguy cơ cắt giảm việc làm là điều không thể tránh khỏi.”

Những giải pháp trước mắt và dài hạn

Tuần trước, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã thông báo các kế hoạch phân phối 120,000 người tị nạn theo một tỉ lệ phù hợp trên khắp 28 quốc gia thuộc EU. Ủy ban này cũng đã đề xuất thành lập một quỹ khẩn cấp, với số tiền khởi đầu là 1.8 tỉ euro (2.1 tỉ USD) nhằm giải quyết các khủng hoảng ở khu vực Bắc và Đông Bắc châu Phi.

Xáo trộn xã hội đang là điều làm đau đầu các nhà quản lý ở thời điểm hiện tại. Mấy ngày qua quả là quãng thời gian “ác mộng” với người dân Vorra, một vùng quê yên bình với phong cảnh đẹp như tranh vẽ ở Đức. Với dân số vỏn vẹn chỉ 1,000 người, họ đang thật sự phải vất vả tìm mọi cách để đón nhận những người nhập cư theo chỉ thị của chính phủ. Chính quyền liên bang cũng đã nới lỏng các hạn chế trong việc tuyển dụng để cho phép những người mới đến có thể làm việc sau ba tháng nếu như họ có khả năng.

Tính ra, chi phí mà các chính phủ phải “gánh” gồm có: chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở và các phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, về dài hạn, khi những người nhập cư này hòa nhập được với lực lượng lao động của nước sở tại thì điều đó sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giúp kinh tế tăng trưởng.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM