Cơn khát năng lượng và thách thức của tân Thủ tướng Modi

02/06/2014 10:40 AM |

Thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng Ấn Độ là làm thế nào để có thể hợp tác được cùng lúc với cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Nội dung nổi bật:

- Bất cập: Ấn Độ đang gặp phải vấn đề trong cơ sở hạ tầng năng lượng. Đây là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 trên thế giới. Hiện có hơn 300 triệu người dân Ấn Độ không đủ điện để sử dụng. 

- Nguyên nhân: Đến từ sự bất cân bằng trong mạng lưới cung ứng và hao hụt do hoạt động của những đường dẫn bất hợp pháp. 

- Giải pháp: Đa dạng về nguồn năng lượng và đơn vị cung ứng là chìa khóa chính trong chính sách năng lượng của Modi. Nhập khẩu than đốt nhiệt từ Úc, Indonesia; dầu và ga từ Trung Đông và Châu Phi; Uranium từ Nga, Pháp và Kazakhstan. Chính phủ của Modi sẽ không để Ấn Độ phụ thuộc vào một đơn vị cung ứng và nguồn năng lượng độc quyền nào. 

- Thách thức: Thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng Ấn Độ là làm thế nào để có thể hợp tác được cùng lúc với cả Mỹ, Nga và Trung Quốc để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước.



Vấn đề an ninh năng lượng phục vụ nhu cầu của Ấn Độ trong thập kỷ tới là một trong những thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng Narendra Modi. Thách thức này buộc ông phải tìm ra đối sách hợp lý trong việc vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Cơn khát năng lượng tại Ấn

Ấn Độ là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Nga. Nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao đang buộc các quốc gia này phải tăng tốc trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ trong nước và đầu tư khai thác các nguồn nguyên liệu khác trên thế giới.

Hiện có hơn 300 triệu người dân Ấn Độ không đủ điện để sử dụng. Cuộc khủng hoảng năng lượng vào tháng 7/2012 đã làm 600 triệu người khác ở phía Bắc, Đông và khu vực trung tâm Ấn Độ mất điện trong 2 ngày.

Ấn Độ đang gặp phải vấn đề trong cơ sở hạ tầng năng lượng, nguyên nhân đến từ sự bất cân bằng trong mạng lưới cung ứng và hao hụt do hoạt động của những đường dẫn bất hợp pháp. Theo báo cáo mới nhất về năng lượng toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất toàn cầu vào những năm 2020. Và đến năm 2025, Ấn Độ sẽ trở thành nhà nhập khẩu than đá lớn nhất thế giới.

Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Modi nhận định năng lượng là vấn đề an ninh cấp quốc gia, và sự thiếu hụt năng lượng sẽ gây ra những tác động xấu đến việc phát triển kinh tế của quốc gia này. Bên cạnh đó, mục tiêu cung ứng đủ điện và nước sinh hoạt cho mọi công dân Ấn Độ cũng tạo áp lực lên chính phủ của ông Modi.

Ít nhất đến năm 2025, năng lượng hóa thạch vẫn là trụ cột chính trong chính sách cung ứng năng lượng của Ấn Độ. Bên cạnh các nguồn năng lượng phụ như khí hydro, năng lượng hạt nhân, các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió đang được trông đợi sẽ phát triển sớm để phục vụ cho nhu cầu năng lượng trong nước.

Chính sách của Modi

Đa dạng về nguồn năng lượng và đơn vị cung ứng là chìa khóa chính trong chính sách năng lượng của Modi.

Ngày 31/3, công ty Than Ấn Độ, đơn vị sản xuất than đá lớn nhất thế giới với năng suất đạt 462 triệu mét khối/tấn trong một năm đã ngừng hoạt động. Điều này buộc Ấn Độ phải nhập khẩu than đốt nhiệt từ những nhà cung ứng của Úc, Indonesia; dầu và ga từ Trung Đông và Châu Phi; Uranium từ Nga, Pháp và Kazakhstan.

Mặt khác, kế hoạch đường ống TAPI dẫn khí ga từ Turkmenistan xuyên Pakistan và Afghanistan về Ấn Độ đang bị ngưng lại do những xung đột tại Pakistan và Afghanistan. Tương tự, một hợp đồng cung ứng năng lượng khác từ Iran sang Ấn Độ cũng trong tình trạng bị ngưng trệ do cùng phải đi qua Pakistan.

Phương án thay thế cho chính phủ Modi hiện thời là đường dẫn khí đốt của Nga đi qua vùng Altai của nước này đến phía Bắc của Trung Quốc sau đó chuyển đến phía Bắc của Ấn Độ. Tuy nhiên phương án này tốn nhiều chi phí hơn. Trong cuộc họp thường niên tại Moscow vào tháng 10/2013, tổng thống Nga Vladimir Putin và người tiền nhiệm của Modi là Manmohan Singh đã đồng ý sẽ nghiên cứu kỹ hơn về phương án này.

Về phần mình, Modi cho biết ông muốn gia tăng mối quan hệ Nga - Ấn với đề nghị rằng Ấn Độ sẽ xem xét chọn Nga làm đối tác nhập khẩu năng lượng dầu và khí ga chính trong tương lai với mức giá và phương thức vận chuyển phù hợp.

Bên cạnh đó, Modi cho biết Trung Quốc cũng là một quốc gia ông đang xem xét hợp tác kinh doanh nhưng cũng không phủ nhận sự cạnh tranh về nhu cầu năng lượng của hai quốc gia vẫn đang ở mức cao. Về phía mình, Trung Quốc cho biết sẵn sàng hợp tác cùng chính phủ mới của Ấn Độ và "mang mối quan hệ hợp tác chiến lược Trung - Ấn lên mức độ mới".

Ấn Độ đang hợp tác với Việt Nam để thăm dò dầu mỏ tại biển Đông, nơi xuất hiện giàn khoan Trung Quốc làm quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng gần đây.

Mối quan hệ Ấn - Mỹ cũng nên được phát triển trong các chính sách kinh doanh của Modi. Đến cuối thập kỷ này, LNG từ Bắc Mỹ cũng sẽ trở thành một trong những nhà cung ứng năng lượng cho Ấn Độ.

Theo đánh giá của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Ấn Độ đang có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác khí từ đá phiến. Trữ lượng của quốc gia này hiện vào khoảng 2,7 nghìn tỷ mét khối. Trong khi đó, trữ lượng của Hoa Kỳ là 33 tỷ mét khối và Trung Quốc là 31,5 tỷ mét khối. Hiện, các công ty Ấn Độ như Reliance Industries của Mukesh Ambani và GAIL đang đầu tư tại Mỹ nhằm tiếp nhận những công nghệ khai thác mới của quốc gia này.

Tất cả các chính sách cho thấy, chính phủ của Modi sẽ không để Ấn Độ phụ thuộc vào một đơn vị cung ứng và nguồn năng lượng độc quyền nào. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng Ấn Độ là làm thế nào để có thể hợp tác được cùng lúc với cả Mỹ, Nga và Trung Quốc để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước.

>> Ấn Độ - Giờ thì biết ‘nghiêng’ về đâu?

Theo LÂM NGHI

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM