"Cơn bão" giáng xuống Alibaba mới chỉ đang bắt đầu
Mã Vân đã gắn vận mệnh của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba vào nhóm đối tượng khách hàng trung lưu ở Trung Quốc, và hệ quả tất yếu đó là giá trị của công ty ông đang bị kéo xuống khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Hóa ra các nhà đầu tư đã đúng về Alibaba: không có công ty nào chịu ảnh hưởng từ sự chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn so với gã khổng lồ Alibaba của Mã Vân. Và, thời điểm hiện tại mới chỉ là khởi điểm của mọi vấn đề.
Cổ phiếu của Alibaba trượt giá mỗi khi các bản báo cáo khảo sát tầng lớp trung lưu Trung Quốc được công bố. Đây là nhóm khách hàng chính tiềm năng nhất của Alibaba và xu hướng đang hình thành là thu nhập của họ sụt giảm mạnh. Họ đã thắt chặt chi tiêu, bớt ăn, bớt tiêu, bớt giải trí.
Mã Vân đã gắn vận mệnh của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba vào nhóm đối tượng khách hàng trung lưu này, và hệ quả tất yếu đó là giá trị của công ty ông đang bị kéo xuống. Sau khi tăng mạnh tới 75% so với khi IPO và đạt đỉnh 120 USD/cổ phiếu, cổ phiếu của Alibaba đã giảm 16% chỉ riêng trong tháng 8 năm nay, xuống còn 66,12 USD/cổ phiếu. Tháng 8 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp cổ phiếu này giảm điểm.
Có thể nói Alibaba đang phải trải qua "hiệu ứng tài sản tiêu cực” (Negative Wealth Effect). Đây là tình trạng tài sản của người dân sụt giảm sẽ dẫn đến giảm chi tiêu cho các loại hàng hóa, khiến các công ty bị ảnh hưởng và cuối cùng phải cắt giảm hoạt động sản xuất cũng như lượng nhân viên.
Mọi thứ có vẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với cả nền kinh tế Trung Quốc và các nhà đầu tư của Mã Vân. Sau 5 lần NHTW Trung Quốc hạ lãi suất trong gần 1 năm qua, hoạt động sản xuất của Trung Quốc không hề có dấu hiệu cải thiện. Tháng 9 vừa qua, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi và thậm chí ở dưới mức 50 điểm (là ngưỡng phân chia giữa xu hướng mở rộng và thu hẹp).
Cuối năm những 1990 – thời điểm bong bóng Dotcom lên cao trào ở Mỹ, hiệu ứng tài sản tạo ra ảo tưởng rằng nền kinh tế đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên khi bong bóng vỡ cũng chính hiệu ứng tài sản đã kéo kinh tế Mỹ đi xuống. Sau đó nước này đã phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế.
Giới phân tích cho rằng ảnh hưởng từ hiệu ứng tài sản tại Trung Quốc thậm chí có thể mạnh gấp đôi so với ở Mỹ. Sau nhiều tháng chính phủ Trung Quốc đã bỏ lại đằng sau toàn bộ gánh nặng nợ để liên tục bơm tiền vào cứu TTCK khỏi đổ vỡ, Bắc Kinh đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu buông xuôi. Diễn biến này tạo ra những tác động khó lường lên niềm tin của 1,3 tỷ dân Trung Quốc vốn đã tin tưởng chính phủ Bắc Kinh có thể kiểm soát được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Khi thị trường TTCK và GDP nước này tụt dốc thì người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu. Họ chỉ chi tiền cho những thứ thực sự thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, trong khi các hàng hóa như điện thoại thông minh, túi xách hay các dịch vụ giải trí sẽ bị gác sang một bên. Tồi tệ hơn, thời điểm này kế hoạch thắt lưng buộc bụng trong toàn dân Trung Quốc mới chỉ đang bắt đầu.
Châu Á tốt hơn hết là nên để mắt đến tình hình kinh doanh của Alibaba - tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn cả GDP của nhiều nước trong khu vực châu Á - để từ đó đánh giá những ảnh hưởng từ bên trong đang tác động như nào tới người dân cũng như kinh tế Trung Quốc.
Cho tới nay, các nhà đầu tư vẫn thích thú với quy mô, độ bao trùm lớn trong các lĩnh vực kinh doanh của Alibaba. Bằng cách tạo ra một sàn giao dịch theo mô hình tổng hợp dịch vụ trọn gói hay còn gọi là mô hình một điểm đến (one stop) cho 650 triệu người sử dụng internet ở Đại Lục, Alibaba đã mở rộng hoạt động kinh doanh vào gần như mọi ngành công nghiệp tại Trung Quốc.
Giờ đây khi kinh tế Trung Quốc đi xuống, sự bao trùm đó lại trở thành một đe dọa lớn cho sự phát triển của tập đoàn này.